Mạng LAN là gì? 6 thông tin cần biết về mạng cục bộ

Blog  |  Viễn thông , 12-01-2025 22:51

Bạn muốn tìm hiểu thông tin về mạng LAN để lắp đặt cho gia đình hoặc văn phòng? Bạn muốn biết rõ ưu - nhược điểm và ứng dụng của mạng LAN để xem có phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không? Mời bạn tham khảo 6 thông tin cần biết về mạng này trong bài viết dưới đây!


1. Mạng LAN là gì? Cách mạng cục bộ hoạt động

Mạng LAN (Local Area Network) là mạng cục bộ kết nối các thiết bị trong phạm vị nhỏ như gia đình, văn phòng, tòa nhà hoặc trường học bằng hệ thống cáp Ethernet hoặc WiFi. Trong mạng LAN, các thiết bị được kết nối với nhau bởi Switch, Router và Modem để trao đổi dữ liệu với nhau và truy cập Internet tốc độ cao, thường từ 100Mbps đến 10 Gbps.


Mô hình mạng LAN cơ bản

Ví dụ: Trong ngôi nhà của bạn có một máy tính và một máy in trong phòng làm việc cùng một laptop trong phòng khách được kết nối với nhau thông qua mạng LAN. Khi bạn muốn in tài liệu trong laptop, bạn có thể kết nối trực tiếp laptop với máy in thông qua mạng LAN mà không cần mang laptop vào phòng làm việc để cắm dây kết nối.

Ngoài ra, nếu các thành viên khác có máy tính bảng hoặc smartphone kết nối với mạng LAN, bạn có thể chia sẻ tài liệu từ laptop với mọi người mà không cần sử dụng USB.

2. Ưu nhược điểm của mạng LAN và ứng dụng tương ứng

Muốn xác định mạng LAN có phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không, bạn cần nắm rõ ưu điểm, nhược điểm và ứng dụng của mạng này. Cụ thể như sau:


2.1. Ưu điểm của mạng LAN


Ưu điểm của mạng LAN gồm tốc độ truyền tải cao, chia sẻ tài nguyên dễ dàng, bảo mật tốt và chi phí thiết lập thấp:

- Tốc độ truyền tải cao: Vì khoảng cách các thiết bị gần nhau nên tốc độ truyền tải trong mạng LAN cao, thường từ 100Mbps đến 10Gbps, đáp ứng tốt các nhu cầu truyền dữ liệu tương đối lớn, xem video HD, chơi game trực tuyến… với độ trễ thấp.

- Chia sẻ tài nguyên dễ dàng: Các thiết bị trong mạng LAN có thể chia sẻ tài nguyên dễ dàng cho nhau mà không cần kết nối riêng lẻ từng thiết bị.

- Bảo mật tốt: Với phạm vi hoạt động nhỏ, các thiết bị được quản lý tập trung, chủ yếu chia sẻ dữ liệu nội bộ nên mạng LAN dễ dàng kiểm soát và triển khai các biện pháp bảo mật như tường lửa, mã hóa dữ liệu, hạn chế truy cập trái phép.

- Chi phí thiết lập thấp: Số lượng thiết bị trong mạng LAN nhỏ nên chi phí thiết lập thấp, phù hợp với gia đình và doanh nghiệp nhỏ.


Vì kết nối các thiết bị khoảng cách gần nên mạng LAN có tốc độ truyền tải cao



2.2. Nhược điểm của mạng LAN


Ngoài ưu điểm, mạng LAN cũng có những nhược điểm như phạm vi hạn chế, phụ thuộc vào thiết bị trung tâm, dễ bị nhiễu sóng và hạn chế số lượng thiết bị truy cập:

- Phạm vi hạn chế: Mạng LAN chỉ hoạt động tốt trong một khu vực nhỏ không quá 100m như nhà ở, văn phòng, tòa nhà…

- Phụ thuộc vào thiết bị trung tâm: Vì tất cả các thiết bị trong mạng LAN đều kết nối với Switch và Router nên khi Router hoặc Switch gặp sự cố, toàn bộ mạng LAN có thể bị gián đoạn.

- Dễ bị nhiễu sóng: Tín hiệu kết nối không dây trong mạng LAN dễ bị ảnh hưởng bởi sóng từ các thiết bị điện tử khác hoặc vật cản như tường dày, cửa kim loại…

- Hạn chế về số lượng thiết bị truy cập: Khi số lượng thiết bị truy cập vượt quá khả năng của Router (khoảng 250 thiết bị) và Switch (2 - 48 thiết bị) có thể khiến hiệu suất mạng giảm.


Phạm vi mạng LAN hạn chế trong khoảng cách nhỏ, tố đa 100m


2.3. Ứng dụng của mạng LAN


Dựa vào các ưu nhược điểm trên, mạng LAN phù hợp với hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan có quy mô nhỏ, cụ thể:

Ứng dụng

Mô tả chi tiết

Gia đình Kết nối các thiết bị trong nhà như máy tính, điện thoại, tivi thông minh, máy in và thiết bị IoT để chia sẻ dữ liệu.
Doanh nghiệp nhỏ Kết nối các thiết bị văn phòng như máy in, máy chủ, PC, laptop, máy photo… và phần mềm nội bộ để các nhân viên giao tiếp, chia sẻ tài nguyên và dữ liệu với nhau.
Trường học Kết nối các máy tính trong lớp học, phần mềm giáo dục, phòng thí nghiệm, ứng dụng thư viện… để giáo viên và các học sinh có thể chia sẻ và nhận tài liệu học tập.
Phòng game Kết nối các máy tính, máy chủ và các thiết bị liên quan khác phục vụ cho việc chơi game tốc độ cao.
Cửa hàng bán lẻ Kết nối hệ thống điểm bán hàng (POS), máy quét mã vạch, và máy in hóa đơn để tối ưu hóa quy trình bán hàng.
Tòa nhà thông minh Kết nối các thiết bị IoT như đèn, camera an ninh, điều hòa thông qua mạng nội bộ để dễ dàng quản lý và điều khiển tập trung.

3. 3 công nghệ truyền tải mạng LAN phổ biến

Mạng LAN ứng dụng 3 công nghệ truyền tải dữ liệu gồm cáp mạng Ethernet, không dây Wireless LAN (WLAN) và cáp quang (Optical LAN). Cụ thể như sau:


3.1. Truyền tải qua cáp mạng Ethernet


Các thiết bị trong mạng LAN được kết nối với nhau và truyền tải dữ liệu thông qua cáp mạng Ethernet (CAT5, CAT6, CAT7…) với tốc độ truyền tải cao, thường từ 1Gbps đến 10Gbps. Tín hiệu điện đi qua cáp Ethernet bị suy giảm khi truyền tải khoảng cách lớn (tối đa 100m) nên công nghệ này phù hợp với không gian có số lượng thiết bị cần kết nối nhỏ, khoảng cách gần nhau như gia đình, văn phòng, trường học và doanh nghiệp nhỏ.


Các thiết bị trong mạng LAN chủ yếu được truyền tải qua hệ thống cáp Ethernet


3.2. Truyền tải không dây Wireless LAN (WLAN)


Các thiết bị trong mạng LAN có thể kết nối và truyền tải dữ liệu thông qua kết nối WiFi không dây thay vì kết nối trực tiếp qua dây cáp nên không bị giới hạn về không gian, dễ dàng mở rộng mạng với nhiều thiết bị khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng truyền tải có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường và vật cản xung quanh như tường, vật dụng kim loại, các loại sóng khác… Mạng LAN sử dụng công nghệ này phù hợp với nhà ở, quán cà phê và khu vực công cộng.


Có thể kết nối thêm thiết bị vào mạng LAN bằng sóng WiFi


3.3. Truyền tải qua cáp quang (Optical LAN)


Tương tự như kết nối cáp Ethernet, các thiết bị truyền tải cáp quang được kết nối với nhau thông qua dây cáp quang. Tuy nhiên, tín hiệu truyền tải qua cáp quang là tín hiệu ánh sáng, ít bị suy giảm và ổn định hơn so với cáp Ethernet, tốc độ truyền tải cực cao. Công nghệ này phù hợp với mạng LAN lớn, các thiết bị ở khoảng cách xa như trung tâm dữ liệu, doanh nghiệp lớn.

4. 6 mô hình mạng LAN cần biết khi lắp đặt

Có 6 mô hình mạng LAN, bao gồm Peer-to-Peer (Ngang hàng), Client-Server (Máy khách-Máy chủ), Ring (Vòng), Bus (Tuyến), Star (Ngôi sao) và Mesh (Lưới) dựa theo cách kết nối các thiết bị trong mạng với nhau.


Các mô hình mạng LAN phổ biến

Bạn có thể nhận biết và phân biệt 6 mô hình này dựa vào bảng tổng hợp đặc điểm từng mô hình dưới đây:

Mô hình mạng LAN Đặc điểm Ưu điểm Nhược điểm Ứng dụng phổ biến
Mô hình Peer-to-Peer (Ngang hàng) Các thiết bị đều bình đẳng, kết nối và chia sẻ tài nguyên trực tiếp với nhau mà không cần máy chủ trung tâm.

Dễ cài đặt.

Chi phí thấp.

Bảo mật kém do các thiết bị giao tiếp trực tiếp với nhau mà không qua kiểm duyệt.

Khối lượng dữ liệu xử lý nhỏ do không có máy chủ trung tâm.

Khó quản lý khi số lượng thiết bị lớn.

Gia đình nhỏ, văn phòng nhỏ.
Mô hình Client-Server (Máy khách-Máy chủ) Các thiết bị (máy khách) kết nối với máy chủ, có một hoặc nhiều máy chủ trong mạng. Các máy chủ quản lý và cung cấp tài nguyên/dịch vụ như quyền truy cập thiết bị, quyền truy cập ứng dụng… cho các máy khách.

Dễ quản lý.

Bảo mật cao do quản lý tập trung bởi các máy chủ.

Chi phí thiết lập cao.

Cần máy chủ mạnh để lưu trữ và xử lý khối lượng dữ liệu lớn của các máy khách.

Cần quản trị viên có chuyên môn cao để quản lý hệ thống.

Doanh nghiệp, trường học, tổ chức vừa và lớn.
Mô hình Ring (Vòng) Các thiết bị được kết nối thành vòng khép kín, dữ liệu truyền lần lượt qua từng thiết bị theo một chiều cố định. Quản lý dữ liệu dễ dàng, hiệu quả trong mạng nhỏ.

Một thiết bị gặp vấn đề có thể làm gián đoạn toàn bộ hoạt động mạng.

Khó mở rộng.

Phòng game, hệ thống giám sát nhỏ.
Mô hình Bus (Tuyến) Tất cả các thiết bị kết nối vào một đường dẫn chính (bus), dữ liệu được truyền trên đường dẫn này.

Dễ triển khai

Chi phí thấp

Hiệu suất giảm khi số lượng thiết bị tăng

Khó xác định lỗi trên bus.

Hệ thống nhỏ như văn phòng, phòng thí nghiệm.
Mô hình Star (Ngôi sao) Tất cả các thiết bị ngoại vi được kết nối trực tiếp với một thiết bị trung tâm như Switch hoặc Hub.

Dễ dàng mở rộng và quản lý.

Thiết bị ngoại vi bị lỗi không ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của mạng.

Thiết bị trung tâm hỏng thì toàn bộ mạng sẽ bị gián đoạn. Văn phòng, trường học, gia đình.
Mô hình Mesh (Lưới) Tất cả các thiết bị đều được kết nối trực tiếp với nhau, mỗi thiết bị có nhiều đường truyền dữ liệu.

Độ tin cậy cao.

Một thiết bị gặp vấn đề không ảnh hưởng đến hoạt động của toàn mạng.

Chi phí thiết lập cao.

Muốn mở rộng cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hệ thống giám sát, nhà nhiều tầng, doanh nghiệp lớn yêu cầu độ ổn định cao.

5. Các thiết bị kết nối trong hệ thống mạng LAN

Để lắp đặt mạng LAN cơ bản cần chuẩn bị một số thiết bị sau:

- Modem: Chuyển đổi qua lại tín hiệu analog từ Internet thành tín hiệu digital của các thiết bị trong mạng LAN, giúp kết nối mạng LAN với Internet.

- Router (bộ điều chế): Là thiết bị trung tâm, nhận tín hiệu từ Modem và truyền tải tới các thiết bị trong mạng LAN, giúp kết nối mạng LAN với mạng WAN và Internet.

- Switch: Là thiết bị kết nối các thiết bị ngoại vi như máy tính, máy in, máy photo… trong mạng LAN với nhau và là trung gian phân phối dữ liệu truyền tải giữa các thiết bị này.

- Hub: Kết nối với các thiết bị đầu cuối trong mạng LAN, khi nhận tín hiệu từ một thiết bị sẽ truyền tải tín hiệu này đến tất cả các thiết bị khác có kết nối với Hub.

- Access Point: Kết nối các thiết bị vào mạng LAN qua kết nối không dây (WiFi), được sử dụng để mở rộng mạng LAN.

- NAS (Network Attached Storage): Là thiết bị lưu trữ dữ liệu, cung cấp không gian lưu trữ chung cho tất cả các thiết bị trong mạng LAN.

- Cáp mạng (Ethernet): Là đường dây kết nối trực tiếp các thiết bị trong mạng LAN, dữ liệu trong mạng được truyền tải qua đường dây này dưới dạng tín hiệu điện.

- Repeater: Là bộ mở rộng WiFi, giúp mở rộng mạng LAN kết nối với nhiều thiết bị hơn qua kết nối WiFi.

- Máy tính (PC, Laptop) và máy in: Là các thiết bị đầu cuối trong mạng LAN, trực tiếp thực hiện duyệt web, chia sẻ và nhận tài liệu, truy cập tài nguyên mạng…


Các thiết bị cơ bản trong mạng LAN

Ngoài ra, mạng LAN có thể bổ sung thêm các thiết bị khác tùy theo nhu cầu sử dụng:

- Server: Là thiết bị trung tâm, kết nối, lưu trữ và quản lý hoạt động của các thiết bị khác trong các mạng LAN theo mô hình Client-Server.

- Thiết bị IoT: Là các thiết bị thông minh như đèn, loa, cảm biến kết nối mạng LAN… có thể được tích hợp vào mạng LAN tùy theo nhu cầu sử dụng của bạn.

6. Một số câu hỏi thường gặp về mạng LAN

Dưới đây là giải đáp một số câu hỏi liên quan đến mạng LAN về thiết bị, phân biệt với các mạng máy tính khác và chi phí lắp đặt.


6.1. Cổng mạng LAN trên máy tính, laptop là gì?


Cổng mạng LAN trên máy tính, laptop thường là cổng Ethernet, đầu cắm RJ45, dùng để cắm cáp Ethernet, kết nối máy tính, laptop vào mạng LAN.


Cổng LAN trên máy tính


6.2. Mạng LAN có phải là mạng Internet không?


Không phải. Mặc dù mạng LAN và Internet có thể kết nối với nhau, đây vẫn là hai loại mạng khác biệt về phạm vi và chức năng.

Một văn phòng có mạng LAN sẽ giúp các máy tính chia sẻ dữ liệu và máy in thực hiện lệnh in mà không cần kết nối Internet. Tuy nhiên, để gửi email hoặc truy cập Google, cần kết nối mạng LAN đó với Internet thông qua Modem hoặc Router.


6.3. Mạng LAN khác gì mạng WAN, MAN?


Mạng LAN khác mạng WAN và MAN cơ bản về phạm vi kết nối. Mạng LAN có phạm vi kết nối nhỏ nhất, thường chỉ 100m, trong gia đình, văn phòng, tòa nhà. Mạng MAN có phạm vi kết nối rộng hơn, giữa các khu đô thị hay thành phố. Mạng WAN có phạm vi lớn nhất, giữa quốc gia, châu lục và toàn cầu.

Tham khảo thêm cách phân biệt các mạng LAN, mạng MAN và mạng WAN trong bài viết: Phân biệt mạng LAN WAN MAN qua 13 tiêu chí & Ứng dụng từng mạng.


6.4. Chi phí lắp đặt mạng LAN khoảng bao nhiêu?


Lắp đặt mạng LAN cho hộ gia đình (dưới 10 thiết bị) sẽ có chi phí dao động khoảng 2 - 10 triệu VNĐ, bao gồm chi phí* dây cáp, switch, router/modem cơ bản… Trong khi quy mô doanh nghiệp sẽ cần đầu tư từ 10 - 100 triệu VNĐ trở lên vì cần các thiết bị mạng chuyên dụng như switch managed, hệ thống cáp ngầm, tủ rack, patch panel.

*Bạn sẽ được hỗ trợ phí dây cáp (nếu phạm vi kéo cáp gần) và được FPT Telecom cung cấp Modem, Router… có sẵn trong gói. Đăng ký ngay

Trên đây là những thông tin cơ bản về khái niệm, ưu nhược điểm, ứng dụng, công nghệ truyền tải, các mô hình, thiết bị kết nối và giải đáp một số câu hỏi liên quan đến mạng LAN. Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ về mạng cục bộ và lựa chọn được kiểu mô hình phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Nếu cần tư vấn thêm về mạng LAN và chi phí lắp đặt, bạn hãy liên hệ ngay với FPT Telecom theo hotline 1900 6600 hoặc website FPT Telecom nhé!

Tin khác

Tổng hợp top 5 tướng khắc chế Valhein mạnh mẽ S1 2025

Nắm vững cách chơi Gwen để thành thạo Búp bê ước nguyện

Cách đánh Thresh toả sáng trong Liên Minh Huyền Thoại

Cách chơi Valhein chuẩn meta , xạ thủ cực mạnh mùa S1 2025!

Lên đồ Gwen tối đa sát thương theo meta mới nhất

Cách lên đồ Valhein mạnh nhất mùa S1 2025, bắn là thấm!

Tướng giảm sức mạnh trong cập nhật LOL mùa 25.S1.3

Tướng tăng sức mạnh trong cập nhật LOL mùa 25.S1.3

Trang bị và ngọc được điều chỉnh cập nhật LOL mùa 25.S1.3

Top 5 tướng xạ thủ Liên Quân mạnh, đáng chơi nhất S1 2025