Hoài Phương 18/02/2025

Bandwidth là gì? 5 thông tin cần biết về băng thông Internet

Bandwidth là gì? Cách đo băng thông mạng như thế nào? Bài viết sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc của bạn xoay quanh thuật ngữ công nghệ này.
Bandwidth là gì? 5 thông tin cần biết về băng thông Internet

Bạn thấy từ Bandwidth (Băng thông) xuất hiện khi xem thông tin các gói cước Internet nên muốn tìm hiểu chi tiết về thuật ngữ này? Vậy cụ thể bandwidth là gì? Cách đo băng thông mạng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp toàn bộ thắc mắc của bạn xoay quanh thuật ngữ công nghệ này. 


1. Bandwidth là gì? Nguyên lý hoạt động

Bandwidth hay Băng thông là thuật ngữ đo lường lượng dữ liệu tối đa mà một kênh kết nối mạng có thể truyền tải trong một khoảng thời gian nhất định. Băng thông thường được đo lường bằng đơn vị Mbps (Megabits mỗi giây) hoặc Gbps (Gigabits mỗi giây).


Băng thông là lượng dữ liệu tối đa mà kênh kết nối mạng có thể truyền tải trong một khoảng thời gian nhất định

Lưu ý:

- Băng thông không phải tốc độ mạng, nó chỉ cho thấy khối lượng dữ liệu tối đa mà đường truyền có thể truyền tải trong một khoảng thời gian nhất định (thường tính theo giây). Tốc độ mạng là đơn vị đo lường khối lượng dữ liệu thực tế được truyền tải trong khoảng thời gian nhất định, có thể thay đổi phụ thuộc vào lưu lượng người dùng, khoảng cách, thiết bị kết nối…

- Băng thông càng cao thì khả năng xử lý các tác vụ yêu cầu tốc độ mạng lớn, đường truyền ổn định như xem phim HD, chơi game online, livestream, gọi video, làm việc trên nền tảng đám mây… càng tốt.


Ví dụ: Phân biệt băng thông và tốc độ mạng

Tốc độ tối đa được quy định cho xe máy trong khu vực đông dân cư, trên đường một chiều có 2 làn xe cơ giới là 60 km/h. Tốc độ này có thể hiểu tương tự như băng thông.

Tuy nhiên, tùy theo lưu lượng phương tiện, tình trạng thời tiết… mà bạn có thể điều khiển xe với tốc độ thấp hơn như 20km/h, 40km/h…. Những thông số tốc độ này tương tự như tốc độ mạng.

2. Phân loại Bandwidth theo 4 tiêu chí

Dựa theo 4 tiêu chí, gồm phạm vi sử dụng, tốc độ tải lên - tải xuống, công nghệ truyền tải và đặc điểm kết nối, có thể phân chia Bandwidth theo 4 tiêu chí tương ứng như sau:

2.1. Dựa trên phạm vi sử dụng


Theo phạm vi sử dụng, có 3 loại băng thông:

- Băng thông mạng nội bộ (LAN Bandwidth): Thường là băng thông tốc độ cao, được sử dụng trong mạng LAN của gia đình, trường học, văn phòng nhỏ, ít bị nhiễu bởi các yếu tố bên ngoài.

- Băng thông mạng diện rộng (WAN Bandwidth): Được sử dụng trong mạng diện rộng của doanh nghiệp lớn, mạng viễn thông, tốc độ phụ thuộc vào loại kết nối và khoảng cách địa lý.

- Băng thông quốc tế: Được sử dụng để kết nối các máy chủ trên phạm vi toàn cầu, tốc độ thấp hơn băng thông nội địa do hạn chế hạ tầng cáp quang trên biển, khoảng cách địa lý lớn.


Băng thông quốc tế kết nối các máy chủ tại nhiều quốc gia trên thế giới

2.2. Dựa trên tốc độ tải lên - tải xuống


Có 2 loại băng thông phân chia theo tốc độ tải lên - tải xuống, bao gồm:

- Băng thông đối xứng (Symmetrical Bandwidth): Tốc độ tải lên và tải xuống bằng nhau, thường được sử dụng trong đơn vị cần trao đổi, gửi và nhận dữ liệu thường xuyên như doanh nghiệp và trung tâm dữ liệu.

- Băng thông không đối xứng (Asymmetrical Bandwidth): Tốc độ tải lên và tải xuống không bằng nhau, thường tốc độ tải xuống cao hơn, phù hợp với đối tượng chủ yếu tiếp nhận thông tin như trong gia đình.


Băng thông không đối xứng có tốc độ tải lên và tải xuống không bằng nhau

2.3. Dựa trên công nghệ truyền tải


Theo công nghệ truyền tải, có 3 loại băng thông:

- Băng thông cáp quang (Fiber Optic Bandwidth): Dữ liệu được truyền tải qua đường dây cáp quang, thông qua tín hiệu ánh sáng nên có tốc độ cao nhất (lên tới 10Gbps), tín hiệu ổn định, độ trễ thấp, ít bị tiêu hao trong quá trình truyền dẫn.

- Băng thông cáp đồng (DSL Bandwidth): Dữ liệu được truyền tải qua dây cáp đồng, thông qua tín hiệu điện nên có tốc độ thấp hơn cáp quang (từ 2Mbps - 24Mbps), thường được sử dụng ở khu vực không có cáp quang.

- Băng thông không dây (Wireless Bandwidth): Dữ liệu được truyền tải qua sóng WiFi hoặc mạng 4G/5G, không cần dây dẫn kết nối trực tiếp nên tốc độ phụ thuộc vào khoảng cách và thiết bị kết nối. Băng thông này thường sử dụng ở khu vực có diện tích nhỏ, trong mạng nội bộ (LAN).


Băng thông cáp quang thường có tốc độ mạng lớn nhất

2.4. Dựa trên đặc điểm kết nối


Đặc điểm kết nối là cách khoanh vùng đối tượng tham gia và phạm vi chia sẻ dữ liệu, có 2 loại băng thông theo tiêu chí này:

- Băng thông chia sẻ (Shared Bandwidth): Băng thông được chia sẻ cho nhiều người dùng trên một đường truyền nên tốc độ thường giảm khi có nhiều người truy cập cùng lúc.

- Băng thông chuyên dụng (Dedicated Bandwidth): Băng thông dành riêng cho một hoặc một nhóm người dùng, giúp tránh tình trạng nhiều người truy cập cùng lúc nên tốc độ cao và ổn định hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư băng thông riêng cao hơn.


Băng thông riêng có tốc độ cao và ổn định hơn

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến Bandwidth

Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến Bandwidth, bao gồm:

- Số lượng người dùng: Khi có nhiều người truy cập cùng lúc, băng thông bị chia nhỏ sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng.

- Khoảng cách kết nối: Tín hiệu có thể bị suy yếu trên đường truyền nên những thiết bị càng xa Modem/Router sẽ có tín hiệu yếu hơn những thiết bị ở gần.

- Thiết bị mạng: Modem, Router, Switch là trung gian kết nối các thiết bị khác với mạng Internet nên cần băng thông cao để chia sẻ cho các thiết bị nhận.

- Loại kết nối: Internet cáp quang (FTTH) truyền dẫn dữ liệu thông qua tín hiệu ánh sáng nên thường có băng thông cao hơn cáp đồng truyền dẫn qua tín hiệu điện.

4. Cách đo Bandwidth đơn giản - nhanh chóng

Bạn có thể sử dụng công cụ miễn phí trên website hoặc các ứng dụng cài đặt trên di động để đo lường băng thông. Có 3 công cụ miễn phí được sử dụng phổ biến gồm:

- Speedtest.net: Là công cụ chủ yếu đo băng thông trong nước, có thể đo được ping, tốc độ tải lên, tốc độ tải xuống, độ trễ, xem lịch sử kết quả, kiểm tra sự cố WiFi… Cách đo đơn giản chỉ với một bước, bạn truy cập Speedtest.net, sau đó bấm vào GO và chờ kết quả hiển thị trên màn hình.

- Fast.com: Là công cụ đo băng thông quốc tế, cách sử dụng đơn giản. Bạn truy cập website Fast.com, sau đó bấm vào biểu tượng nút Play trên màn hình, kết quả sẽ hiển thị ngay sau đó.

- Google Speed Test: Là công cụ đo băng thông do Google cung cấp, giúp bạn kiểm tra tốc độ tải lên, tốc độ tải xuống, Ping và Jitter. Muốn sử dụng công cụ này, bạn tìm kiếm công cụ Speed Test trong Cửa hàng Chrome trực tuyến, chọn Thêm vào Chrome. Sau khi thêm, bạn bấm vào biểu tượng tiện ích, sau đó chọn Start, kết quả sẽ hiện trên màn hình.


Speedtest.net là công cụ đo băng thông online miễn phí

5. Hướng dẫn lựa chọn Bandwidth phù hợp với nhu cầu

Các nhà mạng cung cấp nhiều gói cước Internet với khối lượng băng thông khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách hàng là cá nhân/nhỏ lẻ, gia đình, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn. Cụ thể như sau:

- Cá nhân/nhỏ lẻ: Nhóm khách hàng này thường sử dụng Internet để lướt web, xem phim, làm việc từ xa… phục vụ nhu cầu của cá nhân nên phù hợp với gói cước có băng thông  nhỏ, từ 50Mbps - 150Mbps.

- Gia đình nhiều thiết bị: Nhóm khách hàng này cũng có nhu cầu sử dụng Internet cơ bản giống nhóm cá nhân, chỉ khác biệt về số lượng người sử dụng. Vì vậy, nhóm gia đình cần gói cước băng thông lớn hơn, từ 150Mbps - 300Mbps, đáp ứng nhu cầu của 2 - 6 người.

- Doanh nghiệp nhỏ: Thường là doanh nghiệp có khoảng 30 nhân viên, cần sử dụng Internet để lướt web, gửi email, nhắn tin, họp trực tuyến, phù hợp với gói cước Internet có băng thông từ 300Mbps - 1Gbps.

- Doanh nghiệp lớn hoặc trung tâm dữ liệu: Nhóm khách hàng này có số lượng người truy cập và nhu cầu sử dụng Internet tốc độ cao để truyền tải khối lượng lớn dữ liệu, phù hợp với gói cước có băng thông từ 1Gbps trở lên.


FPT Telecom cung cấp đa dạng gói cước Internet phù hợp với đối tượng khách hàng khác nhau

6. Các câu hỏi thường gặp về băng thông WiFi

6.1. Bandwidth cao bao nhiêu là đủ?


Tùy theo nhu cầu sử dụng sẽ phù hợp với mức băng thông khác nhau. Tuy nhiên, với người dùng cá nhân, băng thông tối thiểu là 50Mbps để đáp ứng những nhu cầu kết nối Internet cơ bản.

6.2. Băng thông quốc tế là gì?


Băng thông được sử dụng cho đường truyền kết nối giữa máy chủ các quốc gia khác nhau trên thế giới, giúp bạn truy cập vào máy chủ đặt ở nước ngoài.

6.3. Tại sao băng thông cao nhưng mạng vẫn chậm?


Nguyên nhân có thể do nhiều thiết bị truy cập cùng lúc gây nhiễu hoặc chia nhỏ băng thông thành nhiều phần, thiết bị lỗi, đường truyền bị hư hỏng…


Đứt cáp quang có thể khiến tốc độ mạng suy giảm

6.4. Tối ưu hóa Bandwidth như thế nào?


Bạn có thể tham khảo một số biện pháp tối ưu hóa Bandwidth như sau:

- Kiểm soát số lượng người dùng và thiết bị truy cập cùng lúc: Tình trạng quá tải khiến băng thông bị chia nhỏ, dẫn tới tốc độ truy cập Internet bị chậm.

- Sử dụng công nghệ WiFi hiện đại (WiFi 6): WiFi 6 ứng dụng công nghệ OFDMA và MU-MIMO để chia kênh tần số thành nhiều kênh con nhỏ hơn, giúp truyền dữ liệu đến nhiều thiết bị cùng lúc, tránh tình trạng quá tải, tắc nghẽn và tăng tốc độ truy cập mạng.

- Ưu tiên băng thông cho ứng dụng quan trọng (QoS – Quality of Service): Bạn nên xóa bỏ những ứng dụng không cần thiết trên điện thoại và máy tính vì ngay cả khi không được mở, những ứng dụng này cũng chạy ngầm, tiêu tốn băng thông.

- Sử dụng thiết bị mạng hỗ trợ băng thông cao: Bạn nên lựa chọn Router, Switch, Modem chất lượng cao, hỗ trợ băng thông lớn để giảm độ trễ, tăng tốc độ mạng.


Bạn nên sử dụng các thiết bị mạng hỗ trợ băng thông rộng

Trên đây là những thông tin về khái niệm, phân loại, các yếu tố ảnh hưởng, cách đo, hướng dẫn lựa chọn băng thông phù hợp và trả lời một số câu hỏi liên quan đến Bandwidth. Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ về băng thông, lựa chọn được thiết bị và gói cước Internet phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Nếu bạn cần tư vấn thêm về các gói cước Internet và thiết bị mạng của FPT Telecom, liên hệ ngay tới hotline 1900 6600 hoặc website fpt.vn nhé!

Bài viết liên quan
Đã copy thành công!
FptTelecom
Live Chat
19006600
back-to-top