Tấn công mạng là gì? 9 hình thức tấn công mạng cần tránh

Blog  |  Viễn thông , 21-02-2025 13:18

Trong thời đại số hiện nay, tấn công mạng không chỉ là vấn đề của các tổ chức lớn mà còn đe dọa đến mọi người dùng Internet. Vậy tấn công mạng là gì? Có những hình thức nào và cách phòng tránh ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ khái niệm, các loại hình tấn công mạng phổ biến, cùng những ví dụ thực tế và giải pháp bảo vệ an toàn thông tin hiệu quả.


1. Tấn công mạng là gì?

Tấn công mạng là hành vi lợi dụng công nghệ thông tin, không gian mạng hoặc các phương tiện điện tử nhằm phá hoại, làm gián đoạn hoặc can thiệp vào hoạt động của hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu và các thiết bị điện tử. Theo Điều 2 Luật An ninh mạng 2018, các cuộc tấn công này có thể ảnh hưởng đến mạng viễn thông, Internet, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, gây tổn hại đến an toàn dữ liệu và hoạt động của cá nhân, tổ chức.

Các hình thức tấn công mạng có thể xuất phát từ cá nhân, nhóm hacker hoặc tổ chức với nhiều động cơ khác nhau, từ đánh cắp dữ liệu, do thám thông tin, gián điệp mạng cho đến phá hoại hệ thống. Hiện nay, tấn công mạng ngày càng phổ biến và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, an ninh thông tin cũng như quyền riêng tư của người dùng.


Các cuộc tấn công mạng có thể xuất phát từ cá nhân, nhóm hacker hoặc thậm chí các tổ chức có chủ đích

Để tăng cường an ninh mạng, cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ bảo mật Internet như F-Safe và F-Safe Go từ FPT Telecom. Các giải pháp này giúp bảo vệ duyệt web, ngăn chặn theo dõi từ các trang web độc hại, phát hiện thiết bị lạ truy cập,... bảo vệ dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp khỏi các mối đe dọa trên không gian mạng.

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết về F-Safe và F-Safe Go tại đây.

2. Phân loại các hình thức tấn công mạng

Tấn công mạng có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo mục đích và phương thức thực hiện. Một số cuộc tấn công nhắm vào cá nhân để đánh cắp dữ liệu, trong khi những cuộc tấn công khác lại nhằm vào hệ thống dữ liệu hoặc phần mềm của các doanh nghiệp, tổ chức để phá hoại hoặc chiếm quyền kiểm soát.

Dưới đây là tổng quan về các hình thức tấn công mạng phổ biến hiện nay:

Phân loại chính  Hình thức tấn công mạng  Đặc trưng 
Tấn công vào phần mềm Mã độc tống tiền (Ransomware) Mã độc mã hóa dữ liệu và yêu cầu tiền chuộc để khôi phục.
Tấn công bằng phần mềm độc hại (Malware attack) Sử dụng virus, trojan, spyware… để xâm nhập và phá hoại hệ thống.
Tấn công Cross-Site Scripting (XSS) Chèn mã độc vào website hợp lệ để đánh cắp dữ liệu người dùng.
Tấn công vào mạng Tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) Gửi lượng lớn yêu cầu truy cập nhằm làm quá tải và đánh sập hệ thống.
Tấn công trung gian (Man-in-the-middle attack) Can thiệp vào giao tiếp giữa hai bên để nghe lén hoặc đánh cắp dữ liệu.
Tấn công vào dữ liệu Tấn công chèn mã SQL (SQL Injection) Chèn mã SQL vào cơ sở dữ liệu để chiếm quyền kiểm soát hoặc lấy cắp thông tin.
Khai thác lỗ hổng Zero-day (Zero day attack) Tận dụng lỗ hổng bảo mật chưa được vá để xâm nhập vào hệ thống.
Tấn công vào con người  Tấn công lừa đảo (Phishing) Giả mạo email, website, tin nhắn để lừa người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm.
Tấn công nội gián (Insider Threats) Nhân viên hoặc người có quyền truy cập lợi dụng vị trí, chức vụ để đánh cắp hoặc phá hoại dữ liệu.

3. 9 phương thức tấn công mạng phổ biến

Các phương thức tấn công mạng ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Dưới đây là những hình thức phổ biến, kèm theo ví dụ về tấn công mạng thực tế để giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của tấn công mạng.

3.1. Tấn công từ chối dịch vụ (DDoS)


Tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) là một loại hình tấn công mạng nhằm làm gián đoạn hoạt động của hệ thống bằng cách gửi một lượng lớn yêu cầu giả mạo đến máy chủ, khiến máy chủ quá tải và ngừng hoạt động. Hình thức này thường nhắm vào các website, dịch vụ trực tuyến hoặc hạ tầng mạng, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh và tổn thất tài chính nghiêm trọng.

Ví dụ: Một trong những cuộc tấn công DDoS đáng chú ý xảy ra vào năm 2016, khi hệ thống của Dyn - một nhà cung cấp DNS - bị tấn công, dẫn đến sự cố gián đoạn trên hàng loạt nền tảng trực tuyến như Reddit, Twitter và Netflix. Sự cố này đã ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng trên toàn cầu, gây ra thiệt hại lớn về dịch vụ và tài chính.


Cuộc tấn công DDoS năm 2016 khiến nhiều trang web lớn như Twitter, Netflix và Reddit bị gián đoạn trong nhiều giờ

3.2. Tấn công lừa đảo (Phishing)


Tấn công lừa đảo (Phishing) được thực hiện qua email, tin nhắn hoặc website giả mạo nhằm đánh lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân như mật khẩu, số thẻ ngân hàng. Kẻ tấn công thường giả danh các tổ chức uy tín như ngân hàng, công ty công nghệ để tạo sự tin cậy và dụ dỗ người dùng nhằm đánh cắp danh tính, lừa đảo.

Ví dụ: Năm 2020, một nhóm tin tặc đã gửi email giả mạo cho người dùng của dịch vụ email Office 365 dưới danh nghĩa Microsoft, yêu cầu người dùng nhập thông tin đăng nhập. Hậu quả là nhiều tài khoản bị chiếm quyền kiểm soát, gây ra rò rỉ dữ liệu và thiệt hại nghiêm trọng cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp.


Kẻ tấn công giả mạo email, website hoặc tin nhắn từ tổ chức uy tín để lừa người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm như mật khẩu, thẻ ngân hàng

3.3.  Tấn công chèn mã SQL (SQL Injection)


Tấn công chèn mã SQL (SQL Injection) là phương thức mà hacker khai thác lỗ hổng trên các ứng dụng web bằng cách chèn mã SQL độc vào các trường nhập liệu, từ đó truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu, đánh cắp, chỉnh sửa hoặc xóa dữ liệu quan trọng. Hình thức tấn công này đặc biệt nguy hiểm đối với các hệ thống lưu trữ thông tin nhạy cảm như dữ liệu khách hàng, thông tin tài chính.

Ví dụ: Một vụ tấn công đáng chú ý xảy ra vào năm 2008, khi tin tặc khai thác lỗ hổng SQL Injection trên trang web của Heartland Payment Systems. Bằng cách chèn mã độc vào cơ sở dữ liệu, chúng đã đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của hàng triệu khách hàng, gây ra tổn thất lớn về tài chính và uy tín cho công ty.


Kẻ tấn công chèn mã SQL độc vào các trường nhập liệu của website để truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu

3.4. Mã độc tống tiền (Ransomware)


Mã độc tống tiền (Ransomware) khi xâm nhập vào hệ thống có khả năng mã hóa dữ liệu của nạn nhân và thường yêu cầu một khoản tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập. Hậu quả của loại tấn công này rất nghiêm trọng, có thể khiến dữ liệu bị mất vĩnh viễn, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và gây thiệt hại tài chính đáng kể.

Ví dụ: Một trong những cuộc tấn công Ransomware nghiêm trọng nhất trong lịch sử là vụ WannaCry vào năm 2017. Mã độc này đã lây lan nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, khoá dữ liệu của hàng trăm nghìn thiết bị, ảnh hưởng nặng nề đến các bệnh viện, tổ chức chính phủ và doanh nghiệp và gây thiệt hại hàng tỷ USD.


Cuộc tấn công WannaCry năm 2017 là ví dụ điển hình cho phương thức tấn công mạng mã độc tống tiền (Ransomware)

3.5. Tấn công bằng phần mềm độc hại (Malware attack)


Với phương thức tấn công bằng phần mềm độc hại (Malware Attack), hacker sử dụng virus, trojan, spyware hoặc worm để xâm nhập vào hệ thống. Những phần mềm này có thể phá hủy dữ liệu, đánh cắp thông tin cá nhân hoặc kiểm soát thiết bị từ xa. Malware thường lây lan qua email độc hại, liên kết giả mạo hoặc phần mềm không rõ nguồn gốc.

Ví dụ: Mã độc Emotet (được phát hiện lần đầu vào năm 2014) đã gây thiệt hại lớn cho nhiều tổ chức khi đánh cắp thông tin ngân hàng và phát tán ransomware trên diện rộng.


Malware có thể xâm nhập vào hệ thống qua email giả mạo, liên kết độc hại hoặc phần mềm không rõ nguồn gốc

3.6. Tấn công trung gian (Man-in-the-middle attack)


Tấn công trung gian (MITM) là hình thức tấn công mà kẻ xấu chặn luồng dữ liệu giao tiếp giữa hai bên, từ đó theo dõi, đánh cắp thông tin nhạy cảm hoặc chỉnh sửa dữ liệu truyền tải. MITM thường được thực hiện qua mạng WiFi công cộng không bảo mật hoặc qua các trang web giả mạo.

Ví dụ: Năm 2019, hacker tấn công vào ứng dụng WhatsApp bằng cách lợi dụng lỗ hổng để chặn và đọc tin nhắn của người dùng mà họ không hề hay biết. Vụ tấn công này không chỉ đe dọa quyền riêng tư của hàng triệu người dùng mà còn có thể bị lợi dụng để theo dõi, đánh cắp thông tin nhạy cảm hoặc thực hiện các hoạt động gián điệp trên diện rộng.


Mạng WiFi công cộng không bảo mật có thể tạo điều kiện cho các cuộc tấn công trung gian

3.7. Khai thác lỗ hổng Zero-day (Zero day attack)


Khai thác lỗ hổng Zero-day (Zero-day Attack) là dạng tấn công dựa vào những lỗ hổng bảo mật chưa được phát hiện hoặc chưa có bản vá từ nhà phát triển. Do chưa có biện pháp phòng ngừa, loại tấn công này thường gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với các tổ chức lớn.

Ví dụ: Năm 2021, hacker khai thác lỗ hổng chưa được khắc phục để tấn công vào hệ thống Microsoft Exchange, truy cập trái phép vào dữ liệu của hàng nghìn công ty và tổ chức chính phủ trên toàn cầu. Vụ tấn công đã làm lộ thông tin nhạy cảm của các tổ chức bị ảnh hưởng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và uy tín của Microsoft.


Các cuộc tấn công Zero-day lợi dụng lỗ hổng chưa được vá trong phần mềm, tạo cơ hội cho hacker xâm nhập và kiểm soát hệ thống

3.8. Tấn công Cross-Site Scripting (XSS)


Tấn công Cross-Site Scripting (XSS) xảy ra khi hacker chèn mã độc vào các ứng dụng web, khiến trình duyệt của người dùng tự động thực thi mã độc này khi truy cập vào trang web bị nhiễm. XSS có thể đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm quyền điều khiển tài khoản hoặc phát tán mã độc. Hình thức tấn công này gồm ba loại chính: DOM-based XSS, Reflected XSS và Stored XSS.

Ví dụ: Một vụ tấn công XSS đáng chú ý xảy ra với PayPal năm 2019, khi hacker phát hiện một lỗ hổng cho phép chèn mã JavaScript độc hại, có thể đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng. Lỗ hổng này đã khiến nhiều người dùng vô tình gửi thông tin đăng nhập của họ vào các trang web giả mạo do tin tặc tạo ra, dẫn đến việc tài khoản bị chiếm đoạt.


Hacker chèn mã độc vào trang web, khiến trình duyệt của người dùng thực thi mà không hề hay biết, từ đó  đánh cắp thông tin hoặc chiếm quyền điều khiển tài khoản

3.9. Tấn công nội gián (Insider Threats)


Tấn công nội gián là mối đe dọa đến từ bên trong tổ chức, khi nhân viên hoặc đối tác có quyền truy cập vào hệ thống cố tình hoặc vô tình làm rò rỉ thông tin, đánh cắp dữ liệu hoặc phá hoại hoạt động của công ty. Đây là một trong những các phương thức tấn công mạng khó phát hiện nhất vì kẻ tấn công thường có đầy đủ quyền hạn để truy cập vào tài nguyên quan trọng.

Ví dụ: Vụ rò rỉ tài liệu của Edward Snowden năm 2013 đã gây chấn động toàn cầu khi cựu nhân viên NSA này đã tiết lộ hàng loạt thông tin mật về chương trình giám sát của chính phủ Mỹ. Sự kiện này dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh, khiến chính phủ Mỹ phải cải tổ một số chính sách tình báo.


Mối đe dọa đến từ chính nhân viên hoặc đối tác nội bộ, có thể gây rò rỉ dữ liệu quan trọng hoặc phá hoại hệ thống từ bên trong

4. Giải pháp phòng chống tấn công mạng hiệu quả

Dưới đây là những giải pháp thiết thực giúp bạn giảm thiểu rủi ro bị tấn công mạng và nâng cao khả năng phòng tránh trước các mối đe dọa trên không gian mạng:

4.1. Giải pháp phòng chống tấn công mạng cho cá nhân


Để bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân và tránh trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng, mỗi người dùng cần chủ động áp dụng các biện pháp bảo mật như:

- Bảo vệ mật khẩu cá nhân: Sử dụng mật khẩu mạnh, kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt; bật xác thực hai yếu tố (2FA) để tăng cường bảo mật.

- Hạn chế truy cập WiFi công cộng: Các mạng WiFi không bảo mật có thể là mục tiêu của hacker nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Vì vậy, người dùng nên sử dụng VPN để bảo vệ dữ liệu khi kết nối với mạng WiFi công cộng và tránh đăng nhập vào các tài khoản quan trọng. Tốt nhất, hãy sử dụng kết nối dữ liệu di động khi có thể.

- Không sử dụng phần mềm bẻ khóa (crack): Những phần mềm này thường chứa mã độc hoặc cửa hậu (backdoor), có thể bị tin tặc lợi dụng để xâm nhập hệ thống.

- Cẩn trọng khi duyệt email: Kiểm tra kỹ địa chỉ người gửi và không nhấp vào liên kết đáng ngờ để tránh các cuộc tấn công lừa đảo (phishing).

- Không tải tệp từ nguồn không rõ ràng: Tránh mở file đính kèm hoặc tải phần mềm từ các trang web không đáng tin cậy để ngăn ngừa việc vô tình cài đặt phần mềm độc hại hoặc virus vào thiết bị.

- Hạn chế sử dụng thiết bị ngoại vi dùng chung: USB, ổ cứng ngoài có thể chứa mã độc, dễ lây nhiễm sang máy tính. Do đó, người dùng cần tránh kết nối thiết bị ngoại vi dùng chung, không rõ nguồn gốc vào máy tính cá nhân hoặc công ty.

- Sử dụng phần mềm diệt virus uy tín: Chọn các giải pháp bảo mật từ nhà cung cấp đáng tin cậy như Kaspersky, Norton hoặc Bitdefender để bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại và tấn công mạng.


Người dùng cần tránh mở tệp đính kèm từ người lạ để hạn chế nguy cơ nhiễm mã độc

4.2. Giải pháp phòng chống tấn công mạng cho doanh nghiệp


Đối với doanh nghiệp, việc đảm bảo an toàn thông tin không chỉ bảo vệ hệ thống nội bộ mà còn giúp duy trì uy tín và niềm tin của khách hàng. Một số giải pháp phòng chống tấn công mạng hiệu quả cho doanh nghiệp bao gồm:

- Xây dựng chính sách bảo mật rõ ràng: Thiết lập các quy tắc chặt chẽ trong việc truy cập và quản lý dữ liệu, phân quyền hợp lý cho nhân viên để bảo vệ thông tin nhạy cảm và giảm thiểu rủi ro từ các hoạt động truy cập trái phép.

- Lựa chọn đối tác và phần mềm uy tín: Chỉ hợp tác với các nhà cung cấp có cam kết bảo mật, đảm bảo cập nhật các bản vá thường xuyên.

- Không sử dụng phần mềm crack: Phần mềm lậu tiềm ẩn nguy cơ chứa mã độc, gây rò rỉ dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp. Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng phần mềm chính thức và có giấy phép bản quyền để đảm bảo an toàn và bảo mật cho hệ thống.

- Luôn cập nhật hệ thống và firmware: Cập nhật hệ thống thường xuyên giúp vá các lỗ hổng bảo mật, hạn chế rủi ro từ các cuộc tấn công.

- Sử dụng dịch vụ đám mây an toàn: Các nền tảng lưu trữ đám mây uy tín cung cấp nhiều lớp bảo vệ dữ liệu, đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu và bảo mật thông tin.

- Đánh giá và xây dựng chiến lược an ninh mạng: Bao gồm bảo mật website, máy chủ, hệ thống CRM, IoT và các nền tảng CNTT quan trọng khác nhằm bảo vệ toàn diện các hệ thống và dữ liệu của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro tấn công mạng.

- Tổ chức đào tạo nhân viên: Để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, trang bị kiến thức sử dụng Internet an toàn, kỹ năng nhận diện và phòng tránh các cuộc tấn công mạng.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ tấn công mạng là gì, các hình thức phổ biến như DDoS, Phishing, Ransomware, Malware attack, SQL Injection,... và giải pháp phòng chống tấn công mạng hiệu quả cho cá nhân và doanh nghiệp. Để nâng cao khả năng bảo vệ hệ thống trước những mối đe dọa ngày càng tinh vi, việc sử dụng các giải pháp bảo mật chuyên sâu như F-Safe và F-Safe Go là một lựa chọn đáng cân nhắc. Hãy liên hệ 1900 6600 hoặc truy cập website fpt.vn để được tư vấn thêm về giải pháp này.

Tin khác

17 cách tắt mạng WiFi, mạng LAN cho điện thoại, laptop, PC

Top 5 tướng khắc chế Rouie, chiến thắng mọi giao tranh

Bí kíp lên đồ Roxie chống chịu tốt, gánh team hiệu quả

8 cách tối ưu tốc độ Internet trong giờ cao điểm đơn giản, hiệu quả

11 cách bảo mật WiFi không bị hack, đảm bảo lướt web mượt

Beamforming là gì? Cách hoạt động, ưu nhược điểm & ứng dụng

Bắt bài “Đại Thánh” với cách khắc chế Ngộ Không LOL đỉnh cao

Cập nhật LOL mùa 25.04 về dòng skin Giả Diện Kỵ Sĩ mới

Cập nhật lịch Clash LOL 2025 và các phần thưởng cực hấp dẫn

Tổng hợp chuỗi sự kiện Liên Quân từ 17.02 đến 23.02