1900 6600
Live Chat
1900 6600

Chuyên gia Hoàng Nam Tiến: ‘Ứng dụng công nghệ để trở thành doanh nghiệp xanh’

Tin báo chí , 23-10-2021 10:00

Theo ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Telecom), trong mùa dịch và sau dịch, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để có thể trở thành một doanh nghiệp xanh, giống như con người cần tiêm vaccine để có 'thẻ xanh'. Đặc biệt, để không bị bỏ lại phía sau, để có thể theo kịp sự phát triển của xã hội, chúng ta phải trở thành một 'con người số'.
 



Ông Hoàng Nam Tiến nhận định, mục đích cao nhất của việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng dịch nói riêng và vào đời sống nói chung là giúp cuộc sống thuận tiện, nhanh chóng hơn.


Công nghệ số đóng vai trò quan trọng ra sao trong việc sống chung với dịch Covid-19, thưa ông?

Công nghệ, cụ thể là các ứng dụng công nghệ đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, các ứng dụng này đã hỗ trợ rất đắc lực cho công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng có một thời gian rất dài người dân đã chật vật xoay xở với quá nhiều ứng dụng, mỗi ứng dụng phục vụ một mục đích riêng. Có ứng dụng dành riêng để quản lý F0, quản lý việc tiêm vaccine, quản lý đi lại...

Mới đây, ứng dụng PC-Covid đã tích hợp tính năng của các ứng dụng cũ như Bluezone, NCOVI và VHD đồng thời liên thông dữ liệu với sổ sức khỏe điện tử, dữ liệu dân cư quốc gia, bảo hiểm xã hội; giúp người dân dễ dàng theo dõi thông tin sức khỏe và giúp Chính phủ kiểm soát dịch bệnh có hệ thống hơn.

Tôi cho rằng, một hay nhiều ứng dụng đều được nhưng điều quan trọng là phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu tập trung và được dùng thống nhất toàn quốc. Dữ liệu đồng nhất không thể thiếu cho ứng dụng công nghệ phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, thông tin cá nhân liên quan đến tình trạng sức khoẻ là thông tin bí mật đời tư nhạy cảm, đòi hỏi mức độ bảo mật cao nhất để tránh bị phát tán, sử dụng vào các mục đích trái với các tính năng sau:Truy vết (thay Bluezone); Xét nghiệm; Quản lý cách ly & tự cách ly; Quản lý, hỗ trợ F0 tại nhà; Gọi xe cấp cứu, oxy, túi thuốc; Tiêm vaccine (thay SSKĐT); Hộ chiếu vaccine (thay SSKĐT); Triển khai các trạng thái phòng chống dịch; Hỗ trợ an sinh.

Theo tôi, mục đích cao nhất của việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng dịch nói riêng và vào đời sống nói chung là giúp cuộc sống thuận tiện, nhanh chóng hơn. Chính vì vậy, các ứng dụng công nghệ cần được thiết kế đảm bảo để những người dân không thành thạo công nghệ vẫn có thể dễ dàng sử dụng.

Công nghệ không chỉ phát huy tác dụng trong công tác phòng chống dịch mà còn hỗ trợ các hoạt động khác trong dịch. Chẳng hạn như trong hoạt động chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp.

Vậy ở FPT Telecom thì thế nào, thưa ông?

Ở FPT Telecom, chúng tôi xác định chiến lược phát triển trong 3 năm tới là tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Là doanh nghiệp lớn với hàng triệu khách hàng ở các phân khúc khác nhau trên toàn quốc, việc cá nhân hóa trải nghiệm từng khách hàng không phải điều dễ dàng.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, cụ thể là các ứng dụng tương tác với khách hàng và các sản phẩm tối ưu hóa trải nghiệm, các thói quen sử dụng dịch vụ, thanh toán, nội dung tìm kiếm của khách hàng đều được lưu lại, phân tích để có thể hỗ trợ phù hợp và chủ động chăm sóc mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Thời chung sống với dịch bệnh cũng cần thúc đẩy quá trình số hóa và phổ cập sử dụng Internet thế nào?

Trong thời điểm dịch bệnh, người lao động ngày nay cần 4 điều. Một là, an toàn cho bản thân, gia đình, công ty và xã hội. Hai là, có việc làm. Ba là, đảm bảo có thu nhập ổn định. Bốn là, môi trường làm việc.

Việc chuyển đổi số phải giúp cho mỗi công ty trở thành một doanh nghiệp xanh. Việc kiểm soát nhân sự đã đi đâu, làm gì, ngồi ở đâu, tiếp xúc với những ai cần được tổng hợp trong một cơ sở dữ liệu. Khi có F0, thay vì phải đóng cửa cả nhà máy hàng nghìn người, ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ chia tách, khoanh vùng từng chỗ, cách ly theo từng nhóm nhỏ để không ảnh hưởng hoạt động chung.
 




Công nghệ không chỉ phát huy tác dụng trong công tác phòng chống dịch mà còn hỗ trợ các hoạt động khác trong dịch như hoạt động chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp. (Nguồn: Báo Đầu tư)


Theo báo cáo về kinh tế số của Google phát hành tháng 11/2020, số lượng người dùng Internet mới ở Việt Nam đang tăng trưởng 41%, cao nhất trong khu vực và cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.

Theo Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, đến năm 2030: Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP, năng suất lao động tăng bình quân 7,5%/năm. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phổ cập mạng 4G/5G và điện thoại di động thông minh. 80% dân số sử dụng Internet, 80% dịch vụ công trực tuyến, 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Tôi cho rằng, song song với phổ cập sử dụng Internet, cần nhanh chóng ban hành luật về bảo mật thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung.

Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm quốc tế trong việc đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới?

Chúng ta có thể học bài học của hai quốc gia ngay cạnh, đó là: Trung Quốc và Singapore.

Singapore chỉ dùng một ứng dụng duy nhất là TraceTogether nhưng đã chứng minh được sự hữu ích của nó trong việc phòng chống dịch khi kiểm soát được toàn bộ việc truy vết, di chuyển, tiêm chủng của người dân.

Còn ở Trung Quốc, họ đã xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu chung và thống nhất. Nhờ vậy, nhiều tỉnh thành có nhiều ứng dụng khác nhau vẫn có thể đồng bộ thông tin, dữ liệu nhanh chóng.

Cùng với đó, trong mùa dịch và sau dịch, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để có thể trở thành một doanh nghiệp xanh, giống như con người cần tiêm vaccine để có “thẻ xanh”.

Vậy con người cũng cần “đề kháng số” ra sao, thưa ông?

Thị trường đã thay đổi, xã hội cũng đã thay đổi. Việc các em nhỏ phải học online; việc chúng ta chuyển phần lớn các buổi họp sang online; mua bán, sử dụng các dịch vụ cũng online… là thực tế mà con người ta phải thích nghi.

Rõ ràng, để không bị bỏ rơi, để có thể theo được sự phát triển của xã hội, chúng ta cần trở thành một "con người số”. Trước đây, chúng tôi thường nhắc đến thuật ngữ “digital twin” - trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi cá nhân gồm có một con người thực tại và một “con người số”.

Tôi nghĩ, không quá 3 - 5 năm nữa, việc chúng ta cùng chung sống với rất nhiều sensor (cảm biến) để có thể kiểm soát được toàn bộ tình hình sức khỏe, kiểm soát được tất cả các chỉ số về cơ thể… là điều hết sức bình thường. Khi đó, việc con người tập luyện ra sao, điều trị bằng những loại thuốc gì... có lẽ quyết định sẽ dựa vào trí tuệ nhân tạo về y học nhiều hơn là gặp bác sĩ.

Có thể nói, các ứng dụng công nghệ đặc biệt liên quan đến trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn là những điều từng rất xa xôi nhưng đã trở nên rất gần với chúng ta rồi.


Theo Baoquocte.vn