1900 6600
Live Chat
1900 6600

Cơ hội nào cho các nền tảng họp trực tuyến Việt?

Tin báo chí , 27-08-2021 15:00

Ra đời muộn, liệu các nền tảng ứng dụng họp trực tuyến của nhà cung cấp Việt Nam còn nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị phần và có thể vượt qua cái bóng của những “ông lớn” nước ngoài?.
 

Các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom, Google Meetings,…đang khá phổ dụng của các hãng công nghệ nước ngoài, thời gian qua ở Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của một loạt các nền tảng ứng dụng họp trực tuyến của các nhà cung cấp Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là thiết bị OnMeeting (FPT Telecom).

Cơ hội mở rộng cho ứng dụng Việt

Dịch bệnh Covid đã làm thay đổi nhiều thói quen hoạt động học tập và làm việc của người dùng từ môi trường trực tiếp sang trực tuyến, tại nhà. Do đó, việc sử dụng các nền tảng giải pháp hội nghị trực tuyến hoặc họp trực tuyến (video conference) là một đòi hỏi tất yếu và ngày càng trở nên quen thuộc với người dùng, tổ chức, doanh nghiệp... Chính điều này phần nào tạo cơ hội thúc đẩy sự hình thành của các nền tảng họp trực tuyến do Việt Nam làm chủ.

Thời gian qua thị trường đã chứng kiến sự ra đời khá nhiều các nền tảng giải pháp họp trực tuyến với khát vọng làm chủ công nghệ, vượt qua cái bóng của những ông lớn thế giới, tạo lập vị thế trên sân nhà.

Có thể thấy, sự ra đời và cung cấp nền tảng, giải pháp dịch vụ họp trực tuyến của nhiều công ty Việt Nam là một tín hiệu rất tốt, cho thấy thị trường đang tăng trưởng và còn cơ hội. Mỗi nhà cung cấp có chiến lược khác nhau, nhằm vào các đối tượng nhóm khách hàng khác nhau dựa trên các nền tảng công nghệ khác nhau. Với những nhà cung cấp tự phát triển giải pháp hoặc dựa trên nền tảng nguồn mở sẽ làm chủ công nghệ và tinh chỉnh cho phù hợp với yêu cầu cụ thể của các nhóm phân khúc khách hàng nhưng cần thời gian để đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường.

Nhìn nhận về cơ hội cho các nền tảng họp trực tuyến Việt, ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom, khẳng định thị trường Việt Nam vẫn còn rất rộng mở cho các giải pháp họp trực tuyến. Mặc dù trong thời gian qua, nhiều nền tảng trong nước đã được các doanh nghiệp công nghệ cung cấp ra thị trường nhưng tỷ trọng thị phần vẫn còn thấp so với các nhà cung cấp nước ngoài. Như vậy, cơ hội để cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài còn rất lớn.

Ngoài ra, trước nhu cầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực này càng ngày càng tăng cao ở cả doanh nghiệp và người dùng cá nhân, nhất là khi dịch bệnh Covid bùng phát lần thứ 4, thì cơ hội cho các giải pháp nền tảng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất rộng mở và vẫn có những vị thế nhất định để cạnh tranh.

Tìm kiếm khác biệt và lợi thế cạnh tranh

Thực tế, thị trường các giải pháp video conference ở Việt Nam chủ yếu là do các hãng nước ngoài “thống trị”. Theo chia sẻ của một chuyên gia, thị trường có đến 80% giải pháp của các nhà cung cấp nước ngoài. Các giải pháp này được đánh giá có chất lượng tốt, đang rất phổ biến và được nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng.

Tuy nhiên, toàn bộ server của các hãng này để máy chủ ở nước ngoài nên nếu cáp biển quốc tế trục trặc sẽ ảnh hưởng tới chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm được các hãng kiểm soát hoàn toàn mã nguồn nên hoạt động độc lập, khó tích hợp vào các nền tảng giải pháp khác, gây bất tiện cho người dùng. Bên cạnh đó, chi phí của các hệ thống này là khá lớn.

Theo ông Hoàng Việt Anh, những nền tảng giải pháp họp trực tuyến của Việt Nam đưa ra như OnMeeting có thể giải quyết được những điểm hạn chế này. Các chuyên gia đánh giá, về mặt kỹ thuật công nghệ, các nền tảng, giải pháp của doanh nghiệp Việt không thua kém giải pháp ngoại. Có những vấn đề, bài toán của người Việt chỉ được giải quyết bằng các nền tảng Việt. Ở Việt Nam, nhóm phân khúc khách hàng các cơ quan, tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp lớn có yêu cầu khác biệt, cần sự bảo mật, riêng tư và mức độ linh hoạt để tích hợp với các ứng dụng, hệ thống sẵn có.
Các giải pháp nền tảng Việt có lợi thế địa phương hơn giải pháp nước ngoài khi có lực lượng nhân lực hỗ trợ tại chỗ nhanh chóng, kịp thời và dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất là các nhà cung cấp Việt phải xác định được nhu cầu riêng của nhóm khách hàng, hiểu biết khách hàng và phát huy tính địa phương.

“Cách tiếp cận thị trường ngách có thể sẽ phù hợp hơn với các nhà cung cấp nền tảng giải pháp họp trực tuyến trong nước”, ông Bình nói và cho rằng, những yếu tố này sẽ là lợi thế cạnh tranh của các giải pháp nền tảng trong nước. Cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ là giải các bài toán mang tính địa phương, chuyên biệt. Còn với những bài toán phổ quát, thông dụng sẽ rất khó và đầy thách thức.

Kỳ vọng thay đổi thị phần 

Với sự ra đời ồ ạt của các nền tảng Việt trong thời gian qua, câu hỏi đặt ra liệu bức tranh tỷ lệ ứng dụng giải pháp nền tảng họp trực tuyến trên thị trường có thay đổi trong thời gian tới?

Chia sẻ điều này, ông Hoàng Việt Anh tin rằng tỷ lệ này sẽ thay đổi trong thời gian tới, nhưng nhanh hay chậm phụ thuộc và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có chiến lược như thế nào để tận dụng các cơ hội trong bối cảnh khó khăn Covid hiện nay, thúc đẩy cung cấp giải pháp tới khách hàng.
Các doanh nghiệp cần có giải pháp đẩy mạnh triển khai ứng dụng trong các tổ chức, doanh nghiệp, người dùng trong nước để có cơ hội chiếm lại thị trường. Ông nhận định, nếu làm đúng, làm tốt thì kỳ vọng trong 5 năm, tỷ lệ giải pháp do các doanh nghiệp Việt phát triển có thể sẽ chiếm khoảng 50% trên thị trường.

Tất nhiên, để cạnh tranh vượt lên thay thế các nền tảng nước ngoài sẽ là một bài toán rất thách thức. Bởi các giải pháp do nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh phát triển dựa trên các nền tảng hệ sinh thái rộng lớn toàn cầu, dễ dùng với giá rẻ. Các đơn vị này cũng có tiềm lực tài chính, nghiên cứu phát triển nên sẽ có nhiều thế mạnh hơn các nền tảng trong nước. Đây sẽ là thách thức với các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng tham gia thị trường sau.

Ngoài ra, theo chia sẻ của một nhà cung cấp, trước đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ứng dụng các nền tảng họp trực tuyến và khi dịch bệnh Covid diễn ra, mức độ triển khai mạnh mẽ hơn. Do đó, việc thuyết phục người dùng, cạnh tranh so với sản phẩm của nước ngoài là không dễ dàng.
Có thể thấy các nền tảng họp trực tuyến đã thực sự bùng nổ, được ứng dụng mạnh mẽ và phát huy hiệu quả trong bối cảnh giãn cách do dịch bệnh Covid-19. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, kể cả sau khi dịch Covid được kiểm soát thì việc sử dụng nền tảng online vẫn là một thói quen mới của các doanh nghiệp cũng như người dùng trong giao tiếp, giúp tiết giảm chi phí. Các nền tảng online vẫn có nhiều đất để phát triển tiếp...