Tin báo chí , 22-11-2022 15:00
Khái niệm nhà thông minh bắt đầu trở nên quen thuộc với người Việt Nam trong những năm gần đây, rất nhiều công nghệ nhà thông minh Make in Vietnam cũng đã ra đời và đang bắt đầu được người dùng quan tâm.
Tại Việt Nam, mặc dù khái niệm nhà thông minh đã được phổ biến và quen thuộc trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ, tự động hoá vào trong căn nhà còn rất hạn chế, vì thế nhà thông minh vẫn chưa thịnh hành và khá tốn kém với nhiều gia đình. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng vào những năm trở lại đây, Statista dự đoán thị trường nhà thông minh Việt Nam sẽ tăng trưởng lên đến 251 triệu đô vào năm 2022 dù cho đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Không bỏ lỡ cơ hội đó, các công ty công nghệ Việt bắt tay vào kinh doanh nhà thông minh, đi đầu phải kể đến: Lumi, BKAV, FPT… rất nhiều các giải pháp nhà thông minh do các doanh nghiệp Việt phát triển đã được triển khai các khu đông thị ở các thành phố lớn, góp phần phát triển thành phố thông minh ở các địa phương.
Các doanh nghiệp trong nước vẫn liên tục đầu tư nguồn lực, cải tiến công nghệ, để đưa ra các giải pháp nhà thông minh cho người Việt Nam với chi phí hợp lý và đặc biệt các giải pháp này có thể điều khiển được hoàn toàn bằng tiếng Việt. Có thể kể đến công nghệ nhà thông minh “Make in Vietnam” của FPT Smart Home liên tục được giới thiệu trong thời gian qua.
Cụ thể, năm 2018, FPT Play Box+ ra mắt đánh dấu sự ra đời của dự án nhà thông minh với tính năng điều khiển TV và các thiết bị thông minh trong nhà bằng giọng nói tiếng Việt. Những năm sau đó, FPT Telecom tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm thuộc hệ sinh thái thông minh này như: Cảm biến cửa iHome, FPT Camera IQ... Đơn vị còn tích tích hợp, nâng cấp thêm các tính năng trong các dòng sản phẩm.
Một bước tiến đột phá trong lộ trình phát triển hệ sinh thái nhà thông minh của FPT Telecom là ra mắt thị trường thiết bị FPT Play Box S - sản phẩm được phối hợp trực tiếp với Google vào tháng 4/2021. Đây là một trong những chiếc TV Box kết hợp loa thông minh đầu tiên trên thế giới, được tích hợp công nghệ AI.
"FPT Smart Home là giải pháp có tính chiến lược bền vững, thể hiện rõ cam kết không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dùng. Chúng tôi đưa ra thị trường một giải pháp nhà thông minh khép kín mới với tiêu chí dễ sử dụng, tích hợp công nghệ hiện đại, giúp gia tăng giá trị cho ngôi nhà, mang lại không gian sống thông minh với chi phí hợp lý", ông Lê Trọng Đức, đại diện FPT Smart Home chia sẻ.
Hệ sinh thái FPT Smart Home được phát triển dựa trên nhu cầu thực tế của người dùng. Giải pháp hướng tới giảm bớt các thao tác kết nối, lắp đặt phức tạp, hướng tới sử dụng kết nối không dây. Thiết kế giao diện thân thiện người dùng, tích hợp trí tuệ nhân tạo AI để căn nhà trở nên "thông minh" hơn.
Giải pháp này còn cho phép kết nối tương thích với hơn 5.000 thiết bị gia dụng thông minh qua nền tảng Google Home như điều hòa, quạt, máy nóng lạnh, rèm cửa... bằng giọng nói. Người dùng có thể lập trình kịch bản tùy biến phù hợp với thói quen, thời điểm, hành vi sinh hoạt.
Theo chia sẻ của ông Lê Trọng Đức, trong giai đoạn sắp tới, FPT Smart Home không chỉ hoàn thiện hệ sinh thái nhà thông minh, mà còn phát triển “đô thị thông minh”, kết hợp “xe thông minh” để giúp cuộc sống gia đình chuyển động tự nhiên hơn, đơn giản hơn. Hiện FPT đang phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong nước và các địa phương để triển khai mô hình này.
“Một đô thị thông minh sẽ được hình thành mà ở đó khi người dân vào ngôi nhà của mình sẽ được trải nghiệm công nghệ hoàn toàn tự động, chỉ cần điều khiển thông qua giọng nói tiếng Việt được tích hợp sẵn là điều mà FPT và các đối tác đang hướng tới”, ông Lê trọng Đức cho biết.
Ngoài ra, giải pháp cũng có thể kết nối với mọi dịch vụ nội khu trong đô thị thông minh trên chính màn hình TV của gia đình như mua sắm, kiểm tra bãi đỗ xe, thông tin sử dụng điện nước của hộ gia đình, phản ánh hoặc báo cáo các vấn đề với Ban Quản Lý khu đô thị… Tất cả các dịch vụ trong khu đô thị được tích hợp với căn nhà thông minh của người dùng để đảm bảo an ninh, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Theo ictnews.vietnamnet.vn