25 năm kiến tạo cuộc sống số của FPT Telecom

Tin FPT , 03-01-2023 09:41

Từ thuở ban đầu với 4 thành viên, FPT Telecom xuyên rừng lắp cáp, khai phá loạt dịch vụ mới, phổ thông hóa Internet đến hàng triệu gia đình Việt suốt 1/4 thế kỷ.
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom Hoàng Nam Tiến dùng từ "bán mạng" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để khái quát hành trình phát triển của doanh nghiệp. Công việc chính của FPT Telecom chính là bán mạng Internet. Nhưng ngược về thế kỷ trước, để bán được cho những khách hàng đầu tiên, đội ngũ làm việc quên mình không khác gì "bán mạng".

Phá bỏ thế độc quyền Internet

Năm 1997, Việt Nam kết nối hạ tầng với mạng Internet toàn cầu. Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) thành lập, được lựa chọn là nhà cung cấp thiết bị, đồng thời là Nhà cung cấp kết nối (ISP). Là ISP duy nhất không thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông, FPT được xem là chất xúc tác để Internet Việt Nam phát triển như vũ bão.
 
Những ngày đầu, doanh nghiệp chỉ có 4 thành viên, làm việc tại căn phòng 6m2 ở tòa nhà 89 Láng Hạ, Hà Nội. Tài sản lớn nhất của công ty là chiếc PC Server IBM với 12 modem xếp chồng trong một chạn bát bằng nhựa, liên tục thổi mát bằng chiếc quạt cây. Số vốn ban đầu để hình thành công ty vỏn vẹn 70.000 USD.

Người đứng đầu tập đoàn nhớ lại: "Không có tiền mà làm! Làm một công ty viễn thông mà chỉ có 70.000 USD, chúng tôi đánh chiến thuật du kích tới mức không thể du kích hơn được nữa. Đúng là chỉ có lòng nhiệt thành của các bạn trẻ mới làm được điều như vậy. Nhưng chúng tôi đã can đảm làm".

Ngoài việc thiếu vốn, khó khăn lớn hơn là trên thế giới không có một tổ chức viễn thông nào làm duy nhất chỉ Internet, vì làm là lỗ. Làm thế nào FPT Telecom sống được? Tiết kiệm từng xu, từng hào. Nghĩ điên nghĩ cuồng để tìm hướng phát triển.
 
 

Mở đầu cho hành trình đó, đơn vị đưa vào hoạt động mạng cộng đồng có tên Trí tuệ Việt Nam với hơn 10.000 thành viên. Người sử dụng có thể khai thác miễn phí tài nguyên thông tin với thủ tục đăng ký đơn giản. Công ty khi đó đã có những bước khởi sắc khi được đánh giá là thành công trong việc đưa ra những khái niệm đơn giản về World Wide Web, chat, diễn đàn thảo luận trực tuyến... tạo nên hiện tượng mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo ông Tiến, thời kỳ đầu, mạng cung cấp dưới dịch vụ dial -up (truy cập gián tiếp thông qua đường dây điện thoại) với hình thức tương đối phức tạp. Cũng chính Viễn thông FPT đã đưa ra ý tưởng thanh toán bằng thẻ cào nhanh gọn và tiện lợi. Năm 2002, FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ dial-up lớn thứ hai ở Việt Nam, với một tỷ phút truy cập Internet.
 
“FPT Telecom luôn tận lực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ với mong muốn phụng sự cuộc sống của con người, kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn dựa trên công nghệ”, ông Hoàng Nam Tiến nói. 
 
 
Những kết quả mà FPT Telecom đạt được đã góp phần xóa bỏ thế độc quyền về Internet và viễn thông trong nước, mang lại nhiều lợi ích và dịch vụ giá trị cho người dùng. Như lời nhận xét của Chủ tịch Trương Gia Bình: "Việc các bạn đã làm, đã phá thế độc quyền là điểm tuyệt vời, hiếm hoi, là chiến tích".

Thiết lập hạ tầng: Đến sau nhưng về trước

2003 dịch vụ ADSL được cung cấp đại trà với mức giá thấp, đe dọa đến thị phần và những thành quả mà FPT Telecom đã gây dựng. Lãnh đạo công ty lúc này đưa ra một quyết định táo bạo: đầu tư phát triển hạ tầng, coi đó là con đường sống duy nhất.
 
Nhân viên công ty chụp ảnh trước chi nhánh Viễn thông FPT TPHCM đầu tiên tại số 75 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP HCM. Chi nhánh chính thức đi vào hoạt động vào ngày 2/5/2003 là “bản doanh” đầu tiên của Trung tâm Dịch vụ Internet FPT. 
 
Dù chưa bao giờ quản lý hạ tầng hay kéo một mét cáp nào trên đường phố, FPT Telecom vẫn quyết tâm dựng lên mạng lưới băng rộng đầu tiên với vẻn vẹn 5 DSLAM, 5 POP phủ một vùng quận 1 và quận 3 tại TP HCM. Tháng 10/2003, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL với các gói MegaNet, MegaBiz. Ngay tháng đầu tiên, họ có gần 300 khách hàng. Từ đó trở đi, ông Tiến cho biết công ty ghi dấu ấn với hàng loạt cột mốc.

Năm 2005, FPT Telecom thay đổi mô hình công ty để có giấy phép thiết lập hạ tầng. Từ đó, lịch sử ngành viễn thông Việt Nam "sang trang mới".

Công ty cho ra đời các gói ADSL với giá cước phù hợp với người dùng Việt. Đây cũng là đơn vị tiên phong khai thác dịch vụ Internet tốc độ cao bằng kết nối cáp quang (FTTH) với tốc độ tải lên đến 10 gigabit mỗi giây, nhanh gấp 200 lần so với ADSL 2+ (20 megabit mỗi giây). Những nỗ lực này góp phần tạo nên xu hướng dịch chuyển và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường Internet, kích thích lượng người dùng tăng gấp gần 7 lần chỉ trong 5 năm, từ 2003 đến 2008.

Năm 2012, FPT Telecom hoàn thiện tuyến trục Bắc - Nam với tổng chiều dài 4.000 km đi qua 30 tỉnh thành. Không ngừng dấn thân vào những lĩnh vực mới, năm 2015, công ty là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang.
 

Tuyến đường trục huyết mạch của FPT Telecom đã hoàn thiện trong thời gian kỷ lục 9 tháng 10 ngày, năm 2012. 

Đến ngày 1/7/2016, FPT Telecom cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng là hộ gia đình sử dụng Internet băng rộng và khối doanh nghiệp. Giao thức IPv6 giúp duy trì hoạt động Internet ổn định lâu dài, giải quyết vấn đề cạn kiệt địa chỉ, dễ quản lý, bảo mật cao và hỗ trợ thiết bị di động tốt hơn.

Nhờ những kế hoạch mang tính quyết liệt nhưng thức thời, công ty triển khai thành công kết nối mạng cho một triệu hộ gia đình tại Việt Nam trong năm 2017. Con số này góp phần giúp Việt Nam vươn lên đứng thứ 17 thế giới về chuyển đổi giao thức liên mạng IPv6.

2017 cũng là năm đầu tiên đơn vị ra mắt gói Internet tốc độ nhanh nhất Việt Nam SOC - 1 Gbps. Nhà mạng tạo ra đa dạng gói dịch vụ với nhiều mức giá hợp lý, đi kèm khuyến mại mới mẻ. Nhờ vậy FPT Telecom vào Top 5 Doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong suốt một thập kỷ.

Thế giới số vận hành chóng mặt, đơn vị cũng nỗ lực mang đến những giải pháp hạ tầng hiện đại. Ngày 30/3 năm nay, FPT Telecom chính thức ra mắt gói LUX tích hợp công nghệ Wi-Fi 6 đầu tiên tại Việt Nam. Gói LUX thiết kế dựa trên nền tảng công nghệ mới Wi-Fi 6. So với công nghệ Wi-Fi 5 hiện nay, tốc độ tối đa của Wi-Fi 6 đạt 9,6 Gbp/giây, cao gấp tới 2,8 lần, cho phép vùng phủ Internet được mở rộng, đáp ứng kết nối hơn 30 thiết bị cùng lúc trong khi vẫn giữ tốc độ cao. Nhờ đó, người dùng không cần phải đầu tư thêm thiết bị mở rộng sóng (Access Point) mà vẫn đảm bảo kết nối Internet ổn định trong nhiều không gian lớn như: chung cư, nhà cao tầng, biệt thự, cửa hàng, công ty…

Không chỉ đáp ứng kết nối cơ bản, công ty còn mở rộng cung cấp nội dung giải trí trên "mảnh đất" Internet, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Đó là lý do FPT Play ra đời. FPT Play là dịch vụ truyền hình được FPT Telecom liên tục đầu tư mạnh mẽ cả về công nghệ lẫn nội dung. Trang bị nền tảng công nghệ tiên tiến bậc nhất với cả 2 nền tảng là IPTV và OTT, đơn vị mang đến nhiều phương thức tương tác và nội dung độc quyền, tạo ra hệ sinh thái đa tiện ích.
 

Với thế mạnh là đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng, FPT Play đã liên tục giới thiệu đến khán giả Việt Nam hàng loạt các giải đấu lớn hàng đầu thế giới, thuộc nhiều bộ môn khác nhau như: UEFA, AFC, Bellator MMA, PGA Championship, EuroLeague, NBA… Không chỉ trong mảng thể thao, FPT Play cũng dẫn đầu về nội dung phim, với hàng trăm tựa phim phát song song từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… được ra mắt liên tục trong năm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư sản xuất các nội dung độc quyền như chương trình phát thanh Pladio, talkshow Lối Ra, chương trình ca nhạc Giao Lộ Thời Gian, gameshow Đoán Đại Đi, Ngôi Sao 30s…
 

Trong tháng 9, FPT Play chính thức giới thiệu Bộ giải mã FPT Play 2022. Lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam, hai công nghệ truyền hình quan trọng bậc nhất mà FPT Play đang nắm giữ được tích hợp trên cùng một thiết bị. Nhờ đó, người dùng có thể trải nghiệm đồng nhất, liên tục, không gián đoạn dịch vụ của FPT Play với bất kỳ nhà mạng nào, tại bất kỳ đâu.
 

Một sản phẩm tiện ích khác là ví điện tử Foxpay - giải pháp thanh toán số thông minh và liền mạch. Foxpay liên kết với 40 ngân hàng, đa dạng phương thức thanh toán, chấp nhận tại hơn 100.000 điểm trên toàn quốc. Ví Foxpay hỗ trợ thanh toán hơn 100 đầu hóa đơn cho gia đình; ứng lương, chi lương linh hoạt, hỗ trợ đa phương thức thanh toán  "may đo" theo đặc thù doanh nghiệp. Sản phẩm cũng cung cấp giải pháp thanh toán số đồng hành cùng chuyển đổi sổ của các địa phương. Đặc biệt năm 2022, Foxpay triển khai thành công giải pháp thanh toán số trên nền tảng Hue-S, giúp Huế là địa phương đầu tiên có mô hình ví điện tử liền mạch ngay trong ứng dụng công dân số.
 

FPT Telecom hiện có hai Trung tâm dữ liệu (Data Center) quy mô lớn, tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt trong quản lý, vận hành tại Hà Nội và TP HCM. Thời gian tới, công ty sẽ đưa vào vận hành hai Data Center mới cũng tại hai thành phố này, giúp FPT Telecom trở thành nhà cung cấp dịch vụ Data Center lớn nhất tại Việt Nam.
 
 

Đến nay, làm việc "bán mạng", quyết liệt, hướng đến người dùng vẫn là DNA đặc trưng của công ty 25 tuổi. Bên cạnh cung cấp các dịch vụ cốt lõi, hàng loạt các thiết bị, giải pháp đã được công ty ra mắt để kiến tạo hệ sinh thái thông minh, đa dạng, nâng tầm trải nghiệm của khách hàng. Từ giải pháp phòng họp trực tuyến OnMeeting đến ví điện tử Foxpay, FPT Smart Home... đều xây dựng trên tiêu chí lấy "khách hàng là trọng tâm", tối đa hóa lợi ích người dùng cuối.
 
 


Sứ mệnh vì tương lai

Tổng giám đốc FPT Telecom, ông Hoàng Việt Anh nhận định Internet hiện tại là nền tảng kết nối cốt lõi, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Trong tương lai, chính Internet cũng sẽ mở đường để Việt Nam tiến vào thế giới số, thiết lập hạ tầng số cho phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.. Tương lai của Internet gắn với sự bùng nổ của các công nghệ mới Internet of Things (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain... Đây cũng là những mũi nhọn mà FPT Telecom tập trung: tiếp tục đón đầu xu hướng công nghệ mới của kỷ nguyên Internet Web 3.0, Metaverse… và không ngừng đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng cũng như các dịch vụ gia tăng với chiến lược mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

“Mọi điểm chạm với khách hàng phải tạo ra được cảm xúc, mang đến trải nghiệm tuyệt vời nhất.”, ông Hoàng Việt Anh chia sẻ
 

Cùng với đó sẽ là sự bùng nổ của các dịch vụ tiện ích trên mạng viễn thông và Internet. Đón đầu xu hướng, thời gian tới FPT Telecom sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để phát triển dịch vụ Internet linh hoạt, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ tiện ích trên nền tảng số. Đơn vị cũng tiếp tục đầu tư mở rộng hạ tầng, băng thông quốc tế và đưa ra những sản phẩm mới, tận dụng sức mạnh công nghệ số nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng.
 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, đơn vị tập trung xây dựng nội lực. Sau 25 năm hoạt động, số lượng nhân sự của FPT Telecom hiện tại đã lên đến con số trên 17.000 nhân viên, hơn 300 văn phòng giao dịch. Đơn vị có 9.200 km tuyến trục xương sống Bắc Nam và các tuyến cáp quốc tế, cung cấp dịch vụ tới hàng chục triệu người dùng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tại Việt Nam trên khắp 63 tỉnh, thành phố.
 

Nguồn lực này giúp ngành công nghiệp, khoa học Việt Nam phát triển, sánh vai cường quốc thế giới. Tập đoàn cũng mang đến công việc ổn định cho đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, thu hút nhân tài trên toàn thế giới, tăng cường năng lực trong nước, đóng góp sự phát triển kinh tế quốc gia.
 
Trong giai đoạn phát triển mới, FPT Telecom xác định "Trải nghiệm khách hàng tuyệt vời" (Amazing Customer Experience) sẽ là sự khác biệt chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Công ty tập trung đẩy mạnh nâng cấp chất lượng hạ tầng kết nối và trung tâm dữ liệu, đầu tư vào các dự án nghiên cứu phát triển để tăng tốc ứng dụng sản phẩm dịch vụ số, giúp khách hàng có trải nghiệm thuận tiện, ưu việt hơn.

Đại diện FPT Telecom nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định mọi điểm chạm với khách hàng phải tạo ra được cảm xúc, mang đến trải nghiệm tuyệt vời nhất. Chiến lược này đã được FPT Telecom kiên trì theo đuổi trong suốt những năm qua bằng việc liên tục đầu tư, ứng dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, đồng thời liên tục nâng cấp cải tiến các kênh thông tin hỗ trợ khách hàng tối ưu nhất".
 

25 năm kể từ thời điểm Việt Nam chính thức kết nối với thế giới qua World Wide Web đến nay, Internet đã làm thay đổi sâu sắc đời sống sinh hoạt và thói quen của người dân. Với những quyết định táo bạo của FPT Telecom ngay từ khi tham gia thị trường đã góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có hạ tầng Internet, viễn thông hiện đại phủ khắp lãnh thổ. Người dùng Việt, từ ước mơ có thể truy cập mạng quốc tế, đến nay đã dễ dàng trải nghiệm cuộc sống số từ bất cứ nơi đâu, hưởng lợi từ hệ sinh thái đa tiện ích, toàn diện của FPT Telecom. 
 

Trong bối cảnh hướng tới chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, những giá trị mà FPT Telecom đang tạo ra với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng sẽ là bệ phóng, nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng cuộc sống số, hướng tới kiến tạo xã hội số. 
 

Tin khác

Khoảnh khắc 2024 trên FPT Play - Tính năng tổng kết gu giải trí của người dùng

FPT là đại diện duy nhất của ngành viễn thông lọt Top 25 thương hiệu dẫn đầu do Forbes bình chọn

Hành trình FPT Wi-Fi 6 chinh phục người dùng tại Việt Nam

2 lý do giúp phim ‘Spare Me Your Mercy’ tăng nhiệt

Dàn thí sinh GenZ ‘mở bát’ chương trình Người Yêu Tôi Đỉnh Nhất trên FPT Play

FPT Play ra mắt chương trình âm nhạc bolero Khung Trời Kỷ Niệm

Gói XMAS FPT Play - Xem bóng đá đỉnh cao, giải trí thả ga

Xem trực tiếp ASEAN Cup 2024 sớm nhất trên FPT Play

Cách xem lại camera FPT trên điện thoại chỉ mất 5s

Khám phá quê hương của Ông già Noel cùng Rented In Finland trên FPT Play