1900 6600
Live Chat
1900 6600

Cách FPT ứng phó với đại dịch: Kích hoạt chế độ 'thời chiến', thực hiện 'Chuyển 10'

Tin FPT  |  Tin báo chí , 30-08-2021 15:11

Theo Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, để đối phó làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, FPT đang thực hiện 10 chuyển đổi (gọi tắt là Chuyển 10). Trong đó, quản trị dòng tiền và thông tin tài chính liên tục là một trong những việc “then chốt” với FPT tại thời điểm này.

Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang đương đầu với muôn vàn thách thức do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, không ít doanh nghiệp cũng đã "nhiễm bệnh", "trở nặng", thậm chí là phá sản.

Tuy vậy, cũng có những doanh nghiệp tìm thấy "cơ" trong "nguy" và FPT là một trong số đó. VietnamFinance có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, để có góc nhìn rõ hơn về câu chuyện thích ứng giữa đại dịch của doanh nghiệp này.
Cách FPT ứng phó với đại dịch: Kích hoạt chế độ 'thời chiến', thực hiện 'Chuyển 10'

- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kết quả kinh doanh tháng 7 của FPT vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Vậy đâu là bí quyết để FPT có thể duy trì kết quả kinh doanh này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Cho tới nay, những kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của cả tập thể hơn 36.000 cán bộ nhân viên trong mọi hoạt động, sự quyết liệt của ban lãnh đạo tập đoàn trong việc thay đổi tư duy, linh hoạt đưa ra những sách lược, kịch bản ứng phó kịp thời.

Ưu tiên số một của chúng tôi là chủ động xây dựng các kịch bản khác nhau tương ứng với các diễn biến của đại dịch, cùng chương trình hành động cụ thể để kịp thời ứng biến, nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch.

Để làm được điều này, bên cạnh kinh nghiệm đúc rút từ trải nghiệm thực tế sau gần 20 tháng Covid-19 xuất hiện, cũng như kinh nghiệm kinh doanh “thời chiến”, thì chúng tôi có công nghệ và hệ thống dữ liệu hỗ trợ một cách chính xác, kịp thời.

Nếu như trước đây phải mất hàng tuần, thậm chí cả tháng để có báo cáo tổng hợp dữ liệu của 9 công ty thành viên trong toàn tập đoàn, từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì giờ đây, với sự trợ giúp của hồ dữ liệu (data lake), ban lãnh đạo công ty đã có thể xem báo cáo bất cứ khi nào.

Điều này giúp chúng tôi rất nhiều trong việc ra quyết định, kịp thời nắm bắt cơ hội, hoặc dừng ngay những hoạt động không hiệu quả.

Kết quả này cũng không phải một sớm một chiều mà có được. FPT đã liên tục sáng tạo trong hoạt động bán hàng, đưa ra những giải pháp phù hợp với bối cảnh mới; đầu tư mạnh cho chuyển đổi số nội bộ trên tất cả các khía cạnh từ quản trị nhân sự, tài chính, kinh doanh đến tự động hóa, số hóa các quy trình, nghiệp vụ, tương tác với khách hàng…

Các dự án chuyển đổi số nội bộ cũng đã giúp tập đoàn và các đơn vị thành viên tiết kiệm 250 tỷ đồng chi phí, giúp giảm 98% thời gian thực hiện các báo cáo so với trước đây, tăng năng suất lao động. Điều này có ý nghĩa lớn khi tiết kiệm chi phí cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong đại dịch của FPT.

- Không có nhiều doanh nghiệp có thể duy trì đà tăng trưởng trong thời điểm này như FPT, vậy tập đoàn có gặp phải khó khăn trong bối cảnh đại dịch?

FPT không phải là ngoại lệ trong đại dịch. Như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng phải đối mặt với bài toán thay đổi phương thức bán hàng, tiếp cận và chăm sóc khách hàng; đảm bảo năng suất lao động khi làm việc từ xa… để không bị gián đoạn kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh tựu trung vẫn là vấn đề mối liên kết giữa người – người, điều trở nên vô cùng khó khăn trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Ví dụ, việc triển khai dự án với khách hàng của FPT không thể thực hiện theo mô hình tập trung và trực tiếp như trước mà chuyển sang mô hình phân tán và 100% làm việc trực tuyến.

Với mảng viễn thông, chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng khi chi phí bán hàng, triển khai dịch vụ gia tăng trong bối cảnh giãn cách, nhu cầu quảng cáo trực tuyến giảm sút…

- Trong bối cảnh “thắt chặt chi tiêu” như vừa chia sẻ, mới đây, FPT vẫn quyết định tiến hành đầu tư vào Intertec, ông có thể chia sẻ thêm về thương vụ này?

Không chỉ “sống chung với lũ”, chúng tôi phải tìm cách chủ động để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đồng thời phải tập trung thực hiện các kế hoạch để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và có khả năng chuyển đổi cho tương lai.

Quyết định đầu tư vào Intertec International của chúng tôi nhằm mục đích nâng cao năng lực cung cấp giải pháp – dịch vụ, đảm bảo nguồn lực chất lượng cao tại chỗ, cũng như mở rộng thị trường tại Mỹ.

Đây là thị trường công nghệ lớn nhất toàn cầu và được Forrester dự báo tăng trưởng 6% năm 2021 và đạt 6,5% năm 2022, khi cả khối doanh nghiệp và chính phủ đều chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm - dịch vụ công nghệ.

Để khai thác cơ hội này, FPT trước đó đã thành lập trung tâm sản xuất tại Costa Rica và mới đây là Intertec International - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có hơn 20 năm kinh nghiệm.

Có các trung tâm nguồn lực như vậy, chúng tôi đồng thời giải quyết được vấn đề chênh lệch múi giờ và khác biệt văn hóa giữa khách hàng Mỹ và các trung tâm sản xuất ở ngoài châu lục, tiết kiệm đến 30% chi phí vận hành.

- Trước đó không lâu, FPT cũng thực hiện thương vụ được đánh giá có tiềm năng rất lớn với Base.vn. Đến nay, sau 3 tháng “về chung nhà”, kết quả ban đầu như thế nào thưa ông?
 
vnp_fpt%20base-vnf.webp

FPT từ lâu đã ấp ủ mong muốn xây dựng một nền tảng chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Việc kết hợp cùng Base.vn giúp chúng tôi đi nhanh hơn trên lộ trình thúc đẩy số hoá doanh nghiệp Việt Nam.

Base.vn là một nền tảng quản trị doanh nghiệp (platform) với khoảng hơn 20 ứng dụng tập trung giúp doanh nghiệp quản trị công việc và dự án, phát triển nhân sự và hệ thống thông tin và đang phục vụ hiệu quả 5.000 khách hàng.

Một bên nắm giữ công nghệ lõi mới như AI, Blockchain, Cloud… một bên mạnh về nền tảng quản trị SMEs và sự hợp tác của chúng tôi trong thời gian qua đã “đơm hoa, kết trái” thành các gói giải pháp số giúp cộng đồng doanh nghiệp tìm được lời giải cho những thách thức khi phải điều hành, làm việc từ xa trong giãn cách, theo hình thức phần mềm dịch vụ (SaaS) giúp họ có thể nhanh chóng lắp đặt và sử dụng mọi lúc mọi nơi, chi trả theo thực tế sử dụng…

Theo số liệu tháng 8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm tới nay, trung bình mỗi tháng cả nước có 11.700 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, đa phần là nhóm SME. Thấu hiểu “nỗi đau” này, trong thời gian gần đây, FPT đã đưa Base tiếp cận các tỉnh, thành phố để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp SME.

Chúng tôi đã và đang phối hợp với chính quyền nhiều tỉnh thành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp địa phương vượt dịch. Chúng tôi đặt quyền lợi và sự sinh tồn của doanh nghiệp lên trên hết, xây dựng gói hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp dựa trên khảo sát thực tế hoạt động và các nhóm ưu tiên khác nhau.

Cũng với tinh thần chia sẻ này, FPT vừa khởi xướng chương trình FPT eCovax, với mục tiêu cung cấp “kháng thể số” cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm SME. Các doanh nghiệp đăng ký trước ngày 31/12/2021 đều sẽ được sử dụng 1 năm miễn phí 4 sản phẩm trong gói giải pháp FPT eCovax đầu tiên.

Tôi kỳ vọng sự tiếp sức lúc này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ hơn trên con đường vượt khủng hoảng, đóng góp vào quá trình phục hồi nền kinh tế.

- Đại dịch Covid-19 vượt xa mọi dự đoán và vẫn đang diễn biến rất khó lường, song song với những kết quả đã đạt được, FPT có sự chuẩn bị như thế nào cho môi trường kinh doanh nhiều biến động thư ông?

Nửa cuối năm 2021 sẽ là quãng thời gian đầy thách thức bởi diễn biến tiêu cực của dịch bệnh, tình hình vĩ mô khó khăn hơn.

Chúng tôi đã nhanh chóng kích hoạt chế độ “thời chiến” trở lại khi làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát, với việc thực hiện 10 chuyển đổi (gọi tắt là Chuyển 10).

Các điểm chính bao gồm ưu tiên bảo vệ tính mạng của cán bộ nhân viên, bảo đảm công việc không bị gián đoạn bằng cách làm việc tại nhà; quản lý tài chính dưới góc độ sinh tồn, cắt mọi chi phí không mang lại doanh thu hay hiệu quả trong ngắn hạn; tập trung nhu cầu thiết yếu; thực thi “quân lệnh như sơn”, đặt lợi ích tổ chức trên lợi ích cá nhân…

Đặc biệt, quản trị dòng tiền và thông tin tài chính liên tục là một trong những việc “then chốt” với FPT tại thời điểm này.

Ngoài ra, là công ty hoạt động tại 27 quốc gia trên toàn cầu, trong những năm qua động lực tăng trưởng chính trong mảng công nghệ của FPT đến từ lĩnh vực dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài - hiện đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu, 36% lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn.

7 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài đạt 7.871 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng thị trường Mỹ tăng 47%. Nhờ đã có lượng hợp đồng ký mới tương đối tích cực, cùng các biện pháp chủ động đảm bảo nguồn lực, FPT vẫn đang tiếp tục khai thác các cơ hội tại thị trường quốc tế, bám sát mục tiêu kinh doanh đề ra.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo VietnamFinance