1900 6600
Live Chat
1900 6600

Giải pháp xây dựng nền tài chính số dựa trên AI và Big Data

Tin FPT , 21-11-2022 11:03

Các chuyên gia từ FPT IS đưa ra nhiều phương án ứng dụng công nghệ cao với trọng tâm là Big Data, AI, Blockchain… giúp chuyển đổi số ngành tài chính.
 

6 bài toán ứng dụng công nghệ số cho ngành tài chính công được đưa ra tại sự kiện Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022, với chủ đề "Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính" vừa qua.
 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, với vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho tiến trình chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy số hóa trong các lĩnh vực khác.
 

Với trọng trách quản lý tài chính - ngân sách quốc gia ở phạm vi phức tạp, xác định công nghệ thông tin là nền tảng cốt lõi, Bộ Tài chính luôn đi đầu trong lịch sử tin học hoá, ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Đón đầu xu hướng chuyển đổi số, ngành tài chính đã và đang thực hiện số hóa mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, qua đó, giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
 

Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index).

Ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh vai trò then chốt của chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính. Ảnh: FPT


Ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh vai trò then chốt của chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính. Ảnh: FPT
 

Để tiếp tục duy trì thành tích và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính xác định phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số. Qua đó, tổ chức có thể giảm chi phí vận hành, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
 

Là đối tác đồng hành 27 năm cùng ngành tài chính, các chuyên gia FPT IS đã đưa ra góc nhìn tiếp cận và đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược cho những bài toán thiết yếu của ngành.
 

Với bài tham luận Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính & Xây dựng nền tài chính số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, ông Lê Việt Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Nền tảng và Phân tích dữ liệu - FPT IS cho biết việc phân tích, khai thác dữ liệu chính là vấn đề cốt lõi của ngành và ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là chiến lược khai phá bài toán này trở thành lợi thế.
 

Ông Thanh chỉ ra 6 bài toán trọng điểm ngànhtài chính công có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ này bao gồm: Quản lý thuế cho loại hình kinh doanh mới; Hỗ trợ cơ quan hải quan xác định giá tính thuế; Quản lý rủi ro; Xử lý hồ sơ, dữ liệu dịch vụ công; Giám sát giao dịch chứng khoán; Phòng chống tội phạm tài chính chứng khoán.
 

Với 6 bài toán đó, ông Thanh đưa ra những đề xuất về công nghệ như ứng dụng Big Data, Social Listening trong việc định danh người nộp thuế, qua đó xây dựng và tổng hợp được danh sách thu nhập cá nhân để tính thuế. Thêm vào đó, các công nghệ này còn hỗ trợ xây dựng mô hình chấm điểm rủi ro, tối ưu nguồn lực, tăng hiệu quả thu thuế.
 

Đối với việc phòng chống tội phạm tài chính, công nghệ eKYC giúp nhanh chóng phát hiện giả mạo trong quá trình định danh xác thực, nâng cao độ an toàn trong các giao dịch số, mang tới trải nghiệm chất lượng cao cho người dùng.

Ông Lê Việt Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Nền tảng và Phân tích dữ liệu - FPT IS cho biết ứng dụng Big Data, AI giúp ngành Tài chính giải quyết 6 bài toán trọng điểm. Ảnh: FPT


Ông Lê Việt Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Nền tảng và Phân tích dữ liệu - FPT IS cho biết ứng dụng Big Data, AI giúp ngành Tài chính giải quyết 6 bài toán trọng điểm. Ảnh: FPT

"Đây là 6 bài toán đặc thù của ngành tài chính công đòi hỏi khả năng xử lý nguồn dữ liệu phức tạp, với khối lượng khổng lồ và không ngừng gia tăng khi thị trường mở rộng. Để giải quyết tổng thể các bài toán này, tổ chức cần có cách làm khoa học. Xây dựng nền tảng dữ liệu đủ mạnh, vững chắc là điều mấu chốt để triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ Big Data, AI hiệu quả, thành công", chuyên gia khẳng định.

Các chuyên gia FPT IS giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ tới lãnh đạo cấp cao Chính phủ, Bộ Tài chính. Ảnh: FPT

Nói về xu hướng công nghệ hiện nay, ông Thanh đưa ra các số liệu từ báo cáo của Gartner về Công nghệ giúp thay đổi thế giới năm 2021. Theo đó, có tới 25% các nhà lãnh đạo tin rằng các công nghệ liên quan đến AI sẽ trở nên áp đảo; trong khi đó, các giải pháp liên quan tới dữ liệu được hơn 20% các nhà lãnh đạo đặt niềm tin. Những con số này chứng minh chuyển đổi số đang là cuộc chơi phụ thuộc vào việc phát triển công nghệ, đặc biệt là xu hướng về AI và Big Data.

Trong một thập kỷ qua, các giải pháp công nghệ liên quan tới AI, Big Data không còn mới khi gia tăng mạnh mẽ về số lượng và được triển khai hàng loạt tại doanh nghiệp với mọi quy mô.

Trước thực tế đó, doanh nghiệp, đơn vị muốn triển khai giải pháp AI, Big Data cần có quyết tâm vững vàng và phải bắt tay thực hiện nhanh chóng, nếu không muốn bị bỏ lại.

Thảo luận tại sự kiện, ông Lê Việt Thanh tiếp tục nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách, tầm nhìn cũng như kế hoạch hành động để giải quyết bài toán trên. Dữ liệu là tài sản vô cùng quý giá cần được trọng điểm quản lý, khai thác và tối ưu trong toàn bộ tổ chức, từ những doanh nghiệp vừa và nhỏ đến những tổ chức lớn, đa quốc gia, đa chi nhánh, đặc biệt trong ngành tài chính công.

Thấu hiểu bài toán đó, FPT IS đã phát triển Nền tảng tích hợp, quản lý và khai thác dữ liệu – FPT.dPlat, giúp tổ chức, đơn vị tập hợp, phân tích, khai phá tối ưu các nguồn dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc - vốn là lượng dữ liệu khổng lồ nhưng đang bị bỏ ngỏ do chưa có cách thức xử lý. Giải pháp của FPT IS cho phép sử dụng dữ liệu sẵn có với nhiều cấp độ theo hướng phục vụ sát sườn các nhu cầu nghiệp vụ chuyên sâu của ngành, từ đó nâng cao năng lực quản lý và cung cấp dịch vụ tới các cấp.

Kiến trúc tích hợp Data và AI trên nền tảng. Ảnh: FPT

"Giải pháp FPT.dPlat do FPT IS phát triển mang tới hệ sinh thái hoàn chỉnh cho việc thu thập, xử lý, khai thác dữ liệu dựa trên nguồn mở, cung cấp các công cụ đa dạng, giàu tính năng, giúp tối ưu hiệu năng, an toàn và giảm thiểu chi phí cho cơ quan tài chính. FPT IS đề xuất ngành tài chính nên ứng dụng Big Data và AI ở mức độ ưu tiên cao nhất, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ dữ liệu để tăng thu ngân sách, phát hiện gian lận", ông Thanh nhấn mạnh.
 

Bên cạnh đó, FPT IS cũng nhận thấy nhiều bất cập trong vấn đề luân chuyển chứng từ thu ngân sách, khi mà các trao đổi thông tin chứng từ nộp tiền thuế vào ngân sách giữa các cơ quan liên quan hiện nay như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thu hộ chưa được đồng bộ theo thời gian thực. Quá trình trao đổi thông tin chứng từ còn sai lệch giữa các bên, ảnh hưởng tới nghiệp vụ đối soát, kiểm tra, gây chậm trễ cho các dịch vụ công liên quan và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.
 

Tại Hội thảo, ông Đường Tất Toàn, Giám đốc Công nghệ Khối Chính Phủ - FPT IS cũng đề xuất các tổ chức, đơn vị nên áp dụng công nghệ Blockchain để quản lý vấn đề này hiệu quả hơn. Blockchain được hiểu như một sổ cái phân tán (Decentralized Ledger) giúp kết nối tất cả các bên tham gia vào một chuỗi giao dịch chung. Thông tin giao dịch được tổng hợp vào một sổ cái duy nhất, giúp các bên cập nhật thông tin sát với thời gian thực để xử lý nghiệp vụ.
 

"Ứng dụng Blockchain, các bài toán luân chuyển thông tin về chứng từ nộp thuế: từ khoản thuế nghĩa vụ được tạo ra tại cơ quan Thuế hoặc cơ quan Hải quan, tới thông tin thanh toán của các ngân hàng thu hộ hay thông tin hạch toán tại Kho bạc Nhà nước đều được xử lý gần thời gian thực, tinh gọn quy trình cho người dân. Với thông tin minh bạch và nhanh chóng từ sổ cái chung, người dân, doanh nghiệp có thể nhìn thấy trạng thái xử lý các khoản thuế của mình và chủ động theo dõi các thủ tục hành chính đang thực hiện. Điều này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp", ông Toàn cho biết.
 

"Big Data, AI, Blockchain là những công nghệ được FPT IS đề xuất ngành tài chính ưu tiên áp dụng để khai phá tối đa tiềm lực số. Với sự am hiểu sâu sắc các bài toán của ngành cùng việc đi đầu triển khai các giải pháp công nghệ, FPT IS sẵn sàng đồng hành cùng ngành tài chính củng cố vị thế trên tiến trình số hóa, từ đó tạo đòn bẩy giúp tổ chức, doanh nghiệp Việt tăng trưởng nhanh và bền vững", đại diện FPT IS chia sẻ.