1900 6600
Live Chat
1900 6600

Đi bộ 2-3 phút mỗi giờ - giải pháp sức khỏe cho dân văn phòng

Tin báo chí , 28-08-2019 09:14

Vì ngồi bàn giấy 8 tiếng/ngày, dân văn phòng thường có ít thời gian vận động. Nhưng để tránh các bệnh do ngồi nhiều, bạn không nhất thiết phải tập luyện như VĐV chuyên nghiệp.

Việt Nam là một trong 10 đất nước có tỷ lệ người dân lười vận động nhất thế giới (theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc công bố ngày 4/3). Ngoài ra, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước/ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của WHO là 10.000 bước. Do đó, các hoạt động thể dục thể thao dành cho dân văn phòng đang trở thành vấn đề trọng tâm, được nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng quan tâm.

Tác hại của việc ngồi lâu một chỗ

Một người ngồi im một chỗ khoảng 2 tiếng đã khiến cơ thể cảm thấy khó chịu và nhức mỏi. Khi ngồi liên tục trong 3-4 tiếng, ít vận động, quá trình lưu thông máu trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, không những thế nó còn gây ra nhiều ảnh hưởng xấu khác tới sức khỏe, cụ thể:

Mất dáng: Bạn ngồi quá lâu sẽ khó duy trì tư thế ngồi đúng. Lúc này, tự nhiên bạn sẽ bắt đầu cho phép cơ thể ngồi tùy tiện như cong lưng, nghiêng vẹo một bên hoặc đổ quá nhiều về trước. Lâu dần, các tư thế ngồi sai này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cột sống và làm hỏng dáng đi.

Tích mỡ bụng: LPL (lipoprotein lipase) là một enzyme phá vỡ chất béo và chuyển hóa chất béo thành dạng năng lượng cho cơ thể hoạt động. Khi bạn ngồi nhiều, enzyme này hoạt động không hiệu quả nên lượng chất béo sẽ tích tụ trong cơ thể. Đó chính là lý do ngồi nhiều khiến bạn dễ béo bụng, tăng cân và tăng nguy cơ béo phì.

Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu: Khi bạn ngồi cả ngày, máu lưu thông không tốt nên dễ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là một biến chứng về sức khoẻ, trong đó các cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân.
 


Vận động mỗi ngày giúp phòng tránh nhiều bệnh nguy hiểm.
 
Ung thư: Ngồi quá nhiều trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, nội mạc tử cung và có thể là ung thư phổi lên 66%. Đây là kết quả của một nghiên cứu khảo sát hơn 4 triệu người và phát hiện 68.936 ca ung thư. Nghiên cứu cho thấy, ngay cả ở những người có tham gia hoạt động thể chất nhưng ngồi quá nhiều trong ngày vẫn ảnh hưởng không ít tới sức khỏe.

Bệnh tiểu đường: Theo một nghiên cứu của Hà Lan, chỉ cần một giờ ngồi sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngồi liên tục sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tuyến tụy, từ đó ảnh hưởng đến hàm lượng hormone insulin trong máu, dễ dẫn đến bệnh tiểu đường.

Trầm cảm: Một nghiên cứu khảo sát hơn 9.000 phụ nữ cho kết quả những người ngồi lâu, lười thể dục bị trầm cảm cao hơn nhiều so với người ngồi ít, chăm tập thể dục. Những người ngồi hơn 7 tiếng/ngày tăng 47% nguy cơ mắc trầm cảm hơn người ngồi 4 tiếng hoặc ít hơn.

Vấn đề cơ bắp và xương khớp: Ngồi nhiều sẽ tạo áp lực khá lớn lên hai chân và phần hông. Lâu dần, chân có thể không còn linh hoạt và hông bị đau nhức. Ngoài ra, khi bạn ngồi quá lâu, các cơ ở phía sau và cổ căng lên sẽ thường xuyên gây ra những cơn đau nghiêm trọng ở phần vai, cổ và lưng.

Lợi ích của việc đi bộ

Theo một số chuyên gia sức khỏe, người làm việc văn phòng nên dành khoảng 2-3 phút mỗi giờ để đi lại. Có thể là đi vệ sinh, đi bộ tại chỗ hoặc đi xung quanh hành lang. Buổi trưa nên ra ngoài để ăn trưa, hoặc mang đồ ăn tới phòng ăn chung để vận động, tránh ngồi ăn tại bàn làm việc.

Ngoài ra theo các chuyên gia về sức khỏe, đi bộ là hoạt động mang lại nhiều lợi ích, giúp tránh được nhiều bệnh thường gặp ở dân văn phòng, cụ thể:

Đốt calo: Đi bộ có thể giúp bạn đốt cháy nhiều calo, duy trì hoặc giảm cân nặng. Lượng calo đốt được khi đi bộ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng thường gấp 3 lần so với trạng thái nghỉ.

Tim mạch khỏe mạnh: Đi bộ ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày một tuần có thể giảm 19% nguy cơ bị mắc bệnh tim mạch vành. Và rủi ro này càng giảm khi bạn đi bộ nhiều hơn con số trên.

Giảm đau khớp: Đi bộ giúp bảo vệ các khớp xương ở đầu gối và hông. Bên cạnh đó, đi bộ cũng giúp giảm đau đối với người bị viêm khớp. Đi bộ 9-10 km/tuần có thể ngăn ngừa được các chứng viêm khớp.


CBNV FPT Telecom xuống đường đi bộ, đóng góp gây quỹ xây dựng sân chơi cho trẻ em.
 
Tăng cường chức năng hệ miễn dịch: Một nghiên cứu trên 1.000 người trưởng thành trong mùa cúm cho thấy, những người đi bộ với tốc độ vừa phải trong 30-45 phút/ngày có số ngày bị bệnh thấp hơn 43%, không bị nhiễm trùng đường hô hấp so với người không đi bộ.

Cải thiện tâm trạng: Đi bộ giúp sức khỏe tinh thần của bạn tốt hơn. Theo một nghiên cứu đáng tin cậy, đi bộ mỗi ngày có thể làm giảm lo lắng, trầm cảm và trạng thái tiêu cực, đồng thời cải thiện sự tự tin cho bản thân.

Kéo dài cuộc sống: Đi bộ với tốc độ nhanh có thể kéo dài cuộc sống. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, đi bộ ở tốc độ trung bình so với tốc độ chậm có thể giảm 20% nguy cơ tử vong.

FPT Telecom thực hiện dự án chinh phục 13 vòng Trái Đất trong 31 ngày trên app FoxSteps do tập đoàn này phát triển, diễn ra từ 6/8 đến 9/9, góp phần lan toả lối sống khỏe mạnh, khuyến khích rèn luyện thể chất và xây dựng tinh thần sẻ chia. Với thông điệp “Trái tim còn đập, đôi chân còn đi”, người tham gia dự án không chỉ được vận động rèn luyện sức khỏe dưới nhiều hình thức đi bộ, đi đạp xe, chạy bộ…, mà còn được góp những bước chân của mình cho mục tiêu xây dựng 63 sân chơi trẻ em.

Bằng cách cài app FoxSteps trên điện thoại, CBNV FPT Telecom tại 59 tỉnh thành đã cùng xuống đường đi bộ mở màn cho hoạt động. Dự án chinh phục 13 vòng Trái Đất trong 31 ngày lần này của CBNV FPT Telecom sẽ được bao trùm bởi hình ảnh những bước chân mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần sống khỏe, có ích. Kết thúc dự án, mỗi cây số CBNV FPT Telecom đi được sẽ quy đổi thành 10.000 đồng, đóng góp vào quỹ xây dựng 63 sân chơi cho trẻ em khắp 59 tỉnh thành.