Trong phiên thảo luận phát triển kinh tế số của Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE), CEO FPT Nguyễn Văn Khoa đã chia sẻ về con đường khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, năm 1999 FPT chọn con đường toàn cầu hóa để đúc rút kinh nghiệm, phục vụ nước nhà. Tuy nhiên, con đường đó gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thất bại. Bởi lúc đó, vị thế, năng lực công nghệ của Việt Nam còn yếu, các nước lớn như Mỹ hay Ấn Độ còn chưa chưa biết.
Dẫu vậy, ước mơ xuất khẩu phần mềm chưa bao giờ vơi bớt, FPT chọn Nhật Bản làm thị trường tiếp theo. May mắn, đội ngũ FPT được chuyên gia Nhật Bản giới thiệu cho các doanh nghiệp lớn. Nhưng đường ấy cũng không toàn màu hồng khi vấp phải yếu tố ngôn ngữ. "Vì vậy, lãnh đạo FPT đều quyết định đi học tiếng Nhật", ông Khoa chia sẻ. Từ đó, FPT có hợp đồng đầu tiên vào 2005 và không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Nhật Bản ngày càng khăng khít đã giúp các doanh nghiệp Việt tiến xa hơn.
CEO Nguyễn Văn Khoa chia sẻ về con đường toàn cầu hóa của Tập đoàn FPT.
Trong 17 năm, FPT có sự phát triển đột phá. Trước đây 99% hợp đồng của doanh nghiệp là dịch vụ thuê ngoài (outsourcing). Tuy nhiên, 5 năm gần đây, công ty chuyển dịch sang làm tư vấn, cung cấp các dịch vụ có chuyên môn cao hơn. Tại châu Âu, FPT đang hợp tác với doanh nghiệp ô tô lớn để tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất hay bắt tay cùng công ty điện lực để triển khai giải pháp quản lý điện gió. Một số doanh nghiệp Việt đang là đối tác lớn của đơn vị này.
Sau 20 năm, FPT đóng góp nhiều cho Việt Nam khi tham gia vào nhiều hệ thống như: tài chính, thuế, ngân hàng, kho bạc, hải quan... FPT đã dùng những kinh nghiệm quốc tế để tham gia nhiều dự án như: 100 ngày nâng cấp sàn giao dịch HOSE, dự án eHospital kết nối hơn 400 bệnh viện Việt Nam và 10 bệnh viện toàn cầu hay hệ thống vé tàu điện tử, hệ thống quản lý thuế TMS... “Để chuyển đổi số cho một đơn vị ngành tài chính, chúng tôi phải thay đổi 80% quy trình của họ”, ông Khoa chia sẻ.
Nếu muốn phát triển công nghệ, theo CEO FPT, cần có cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ mà VINASA là một ví dụ. FPT sẵn sàng đi cùng cộng đồng, mang kinh nghiệm của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ đào tạo nhân tài. Khép lại bài phát biểu, ông Nguyễn Văn Khoa cũng đưa ra 5 đề xuất, gồm: tạo ra các bài toán lớn; xây dựng hệ sinh thái trọng tâm theo ngành, lĩnh vực; thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; hình thành thương hiệu chuyển đổi số quốc gia.
VFTE 2022 xoay quanh chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu". Lần thứ tư tổ chức, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Sự kiện tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, với ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; và triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.
Chủ trì diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nhiều chia sẻ gửi đến cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam. "Doanh nghiệp công nghệ là một trong các lực lượng quyết định Việt Nam có đi nhanh được không. Hiện Việt Nam có 65.000 doanh nghiệp, số lượng không thua kém các nước ASEAN. Trong đó có những doanh nghiệp lão làng như: FPT, CMC, MISA đều trên 20 năm… Doanh nghiệp Việt cần thiết lập đội quân có người dẫn dắt, đoàn kết thành sức mạnh của một nước đông, mạnh dạn hơn, bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Đại diện FPT Smart Cloud nhận giải Vàng với nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud.
Trong khuôn khổ sự kiện, hai sản phẩm thuộc hệ sinh thái công nghệ Made by FPT cũng đã được vinh danh sản phẩm số Make in Vietnam xuất sắc hạng mục kinh tế số. Cụ thể, sản phẩm FPT Cloud - Điện toán đám mây thế hệ mới đạt giải Vàng và sản phẩm FPT.eSign - Dịch vụ chữ ký số từ xa đạt giải Top 10. Giải thưởng là động lực để các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có FPT tiếp tục sáng tạo đổi mới, đóng góp hơn nữa vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
FPT Cloud là nền tảng Điện toán đám mây thế hệ mới, sản phẩm chiến lược của Tập đoàn FPT với hơn 50 dịch vụ từ dịch vụ hạ tầng (IaaS), tới nền tảng (PaaS) và đa dạng ứng dụng (SaaS) từ FPT, cùng các đối tác trên toàn thế giới. Sự am hiểu thị trường bản địa cùng nền tảng công nghệ mạnh mẽ được công nhận bởi quốc tế là thế mạnh của FPT Cloud, giúp hỗ trợ một cách linh hoạt, 24/7/365 để đáp ứng mọi nhu cầu đặc thù trong từng lĩnh vực.
Trong khi đó, FPT.eSign là dịch vụ ký số từ xa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. FPT.eSign cho phép xử lý hơn 100 giao dịch/giây, đảm bảo ổn định cả khi đột biến lượng lớn giao dịch. Bên cạnh đó, FPT.eSign được xây dựng trên kiến trúc chuẩn toàn cầu, cho phép tích hợp, triển khai nhanh chóng (chỉ từ 1 tuần) theo mọi mô hình kinh doanh và cho phép người dùng có thể ký số linh động mọi lúc, mọi nơi mà không bị phụ thuộc vào thiết bị phần cứng như USB Token hay SIM.