Tin FPT , 12-12-2022 15:00
“20 năm trước, FPT bước chân ra biển lớn. Chúng tôi bắt đầu từ con số 0 - không thương hiệu, không tiền, không kinh nghiệm", Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa kể lại những khó khăn thuở đầu vươn ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 lần thứ IV (VFTE 2022), ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT - đã kể lại chặng đường vươn ra thị trường quốc tế của FPT như một ví dụ dấn thân của các doanh nghiệp công nghệ Việt.
20 năm trước khi bước chân ra biển lớn, FPT bắt đầu từ con số 0 - không thương hiệu, không tiền, không kinh nghiệm, ông Khoa cho biết.
“Tất nhiên thất bại. Thất bại tới mức Ban lãnh đạo còn không cấp tiền cho anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT - PV) thực hiện ước mơ này nữa”, Tổng Giám đốc FPT nhớ lại. Năm 1999, FPT mở liên tiếp hai văn phòng ở Mỹ và Ấn Độ nhưng thất bại. Ông Khoa cho biết doanh nghiệp nước ngoài còn không biết Việt Nam là ai, năng lực công nghệ thế nào. FPT tiêu tốn hàng triệu USD trong 2 năm mà không có được hợp đồng nào. Các văn phòng lần lượt đóng cửa, phải rút toàn bộ nhân sự về nước, thậm chí nghĩ đến việc giải tán trung tâm xuất khẩu phần mềm.
“Nhưng ước mơ xuất khẩu phần mềm của FPT còn nguyên. Năm 2000, chúng tôi bước chân vào thị trường Nhật Bản. Nhưng cũng không có khởi đầu thuận lợi. Buổi đầu tiên gặp, họ nói ngay: ‘Nếu các bạn không nói tiếng Nhật, các bạn đi về. Đợi chúng tôi học xong tiếng Anh thì các bạn hãy quay lại nói chuyện’. Đây là một lời từ chối rất khéo, nhưng tôi nghĩ ở các thị trường chúng ta đều cần sự chuẩn bị nhất định cho mình. Khi đó, hầu hết các lãnh đạo FPT phải đi học tiếng Nhật”, ông Khoa kể lại.
May mắn, nhận được sự hỗ trợ của ông Nishida, cố vấn của Sumitomo, FPT có được các cuộc gặp gỡ với các công ty hàng đầu của Nhật như NTT, Sumitomo, Toshiba, Fujitsu, Mitsubishi, Daewa…, giúp họ hiểu về khách hàng, văn hoá, kinh doanh trên đất Nhật Bản. Chưa có uy tín, chưa có thương hiệu, FPT đã mượn lực của Sumitomo để có hợp đồng đầu tiên trên đất Nhật vào tháng 12/2005.
Bên cạnh đó, ông Khoa nhìn nhận, điểm quan trọng hỗ trợ cho thành công của FPT trên đất Nhật là mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Nhật Bản ngày càng phát triển, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng xuất hiện tại thị trường Nhật Bản với vai trò và vị thế khác.
Tỷ lệ gia công phần mềm của FPT đã giảm từ 99% còn 40%
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm các gian hàng Make in Viet Nam tại sự kiện VFTE 2022.
Ông Khoa cũng chia sẻ, FPT đã dịch chuyển được hàm lượng gia công. Trước đây, 99% công việc ở FPT là gia công, khách hàng đưa gì làm nấy. Nhưng trong 5 năm trở lại đây, FPT đã chuyển dịch sang làm các dịch vụ tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án chuyển đổi số tầm cỡ, phát triển các giải pháp Make in Việt Nam, Made by FPT may đo riêng phù hợp với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới khắp 5 châu. Và có thể triển khai 24/7 tại 7 quốc gia trên toàn cầu. Trong các năm gần đây, FPT vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi ở Trung Quốc, Ấn Độ.
Hàm lượng gia công của FPT chỉ còn dưới 40%, tức tỷ trọng các sản phẩm Make in Viet Nam ngày càng gia tăng, với tốc độ tăng trưởng từ 2 - 3 lần/năm, theo ông Khoa.
“Hiện tại ở châu Âu, chúng tôi đã và đang cùng một hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ô tô tại Đức với 77 nhà máy trên toàn cầu nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp nhà máy thông minh giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics cũng như vận hành từ đó giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng. Và nhà máy đầu tiên triển khai các giải pháp này chính là nhà máy tại Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, đây là nhà máy hiện đại nhất của họ trên toàn cầu và dự kiến sẽ đóng cửa một số nhà máy ở khu vực châu Âu để tập trung đầu tư, mở rộng quy mô cho nhà máy tại Việt Nam này”, ông Khoa nói.
Trong lĩnh vực ô tô điện, một trong những việc quan trọng của ngành này là việc đặt các trạm sạc trên đường. FPT đang hỗ trợ phát triển các phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc, các phần mềm nhúng chạy trên trạm sạc giải quyết vấn đề tối ưu quản lý, tiêu thụ năng lượng điện.
“Việc tích luỹ kinh nghiệm, năng lực công nghệ sau 20 năm làm việc tại nước ngoài giúp chúng tôi trưởng thành về nguồn lực, đảm nhận những dự án quan trọng nhất của quốc gia và có độ phức tạp cao, như dự án xử lý lỗi và nâng cấp hệ thống Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, Hệ thống quản lý thuế TMS; Hệ thống vé tàu điện tử; Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital; đóng góp vào sự phát triển KTXH quốc gia”, Tổng Giám đốc FPT nói thêm.
Đồng thời, ông Khoa cũng đưa ra 5 đề xuất và cam kết FPT sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của ngành và của đất nước.
“Tập đoàn FPT chúng tôi xác định 13 năm nữa (chúng tôi chọn số 13), sẽ cán mốc 1 triệu kỹ sư CNTT tại Việt Nam để giải bài toán công nghệ toàn cầu”, ông Khoa nói.
Theo báo cáo tài chính Quý 3/2022 của FPT, tính đến 30/9/2022, toàn tập đoàn có 41.124 người, tăng gần 4.000 người so với mốc cuối năm 2021.