1900 6600
Live Chat
1900 6600

“Trách nhiệm xã hội” là đi làm từ thiện?

Tin FPT , 20-03-2020 09:38

“A business that make nothing but money is a poor kind of business - Doanh nghiệp mà không tạo ra điều gì khác ngoài lợi nhuận thì chỉ là một doanh nghiệp nghèo nàn” - Henry Ford.

Câu nói này có lẽ đúng hơn bao giờ hết khi chúng ta đang sống trong một thời đại mà Khách hàng không chỉ còn quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của một công ty. Nghiên cứu “Những cam kết về phát triển bền vững sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Người Tiêu dùng Việt” của hãng Nielsen năm 2017 đã chỉ ra rằng: “người tiêu dùng (NTD) Việt có tinh thần hướng đến xã hội và sự phát triển bền vững cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Có đến 86% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sản phẩm/dịch vụ từ các công ty có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường, so với 76% người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á”. Điều này thôi thúc các doanh nghiệp tại Việt Nam tạo ra nhiều “giá trị vô hình” hơn để thu hút Khách hàng và khẳng định vị thế của Thương hiệu trên thị trường. Trong đó, Corporate Social Responsibility (CSR) - Trách nhiệm xã hội đã trở thành một “giải pháp” mà nhiều doanh nghiệp thực hiện để tạo ra các giá trị đó.

CSR - Hiểu cho đúng/ Làm cho chuẩn

CSR - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước nay vẫn được hình dung một cách đơn giản và qua loa là các chương trình từ thiện, hỗ trợ học sinh nghèo, cứu trợ bão lũ,... Tuy nhiên, trách nhiệm xã hội đòi hỏi một nhận thức đầy đủ và đầu tư nhiều hơn thế. Thuật ngữ “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, có thể hiểu đó là một hình thức đầu tư của doanh nghiệp vào các giá trị bên ngoài dịch vụ, sản phẩm; là cam kết của doanh nghiệp với các giá trị về đạo đức kinh doanh, các chuẩn mực xã hội và đảm bảo quyền lợi cho các nhóm lợi ích liên quan. 

Tựu chung lại trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm: trách nhiệm kinh tế (economic responsibilities), trách nhiệm pháp lý (legal responsibilities), trách nhiệm đạo đức (ethical responsibilities) và trách nhiệm từ thiện (philanthropic responsibilities). Đối tượng thực hiện những trách nhiệm này của doanh nghiệp không chỉ là những nhóm người yếu thế trong xã hội mà còn là cổ đông, khách hàng, đối tác và chính nhân viên trong doanh nghiệp đó. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ tập trung vào trách nhiệm từ thiện qua các hình thức ủng hộ, cứu nạn, tài trợ mà chưa có một chiến lược bao quát, dài hạn và giải quyết các vấn đề theo nhu cầu của cộng đồng.


Công chúng/Khách hàng sẽ khó lòng ủng hộ lâu dài một doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng nhưng lại có những hành động gây hại cho môi trường. Tương tự với một doanh nghiệp hà khắc, không có chính sách đãi ngộ công bằng cho nhân công.

CSR phải là cách tiếp cận có hệ thống, tích hợp các yếu tố phi tài chính vào các giá trị phát triển bền vững nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hiệu quả ổn định và lâu dài. Để thực hiện CSR hoàn chỉnh và hiệu quả, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nghiên cứu và lộ trình rõ ràng và nên  đặc biệt lưu ý những yếu tố sau:

- Xác định rõ mục đích - mục tiêu của chiến lược CSR cho doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp cần đánh giá kỹ lưỡng các nguồn lực về tài chính, nhân sự, quan hệ đối tác,... để thiết lập một mục tiêu dài hạn và thể hiện bằng kết quả rõ ràng.

- Phân tích, đánh giá nhu cầu thực tế của nhóm đối tượng mà hoạt động CSR hướng tới để triển khai những hoạt động đáp ứng và giải quyết được những nhu cầu đó.

- Hoạt động CSR luôn phải gắn với tôn chỉ hoạt động, triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp.

- Có phương án quản trị rủi ro, tránh gây tổn thất cho hoạt động kinh doanh chính thống của doanh nghiệp

CSR - Lợi ích vô hình

Theo “Khảo sát Doanh nghiệp BP500” do Vietnam Report thực hiện tháng 02/2018, có 3 thách thức lớn khi triển khai hoạt động CSR tại Việt Nam, bao gồm: (1) Nhận thức về CSR mới dừng lại ở các hoạt động tài trợ; (2) Thiếu những chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ phía Chính phủ; và (3) Đánh giá từ chính doanh nghiệp là các hoạt động CSR không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu có một cách tiếp cận đầy đủ và chính xác, doanh nghiệp sẽ nhận thấy những lợi ích vô hình mà CSR mang lại. 






Theo “Những cam kết về phát triển bền vững sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Người Tiêu dùng Việt” của hãng Nielsen năm 2017, sự cam kết có trách nhiệm với môi trường sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng Việt Nam; các cam kết trách nhiệm với các giá trị xã hội khác quyết định 61%.  Điều này khẳng định lại một lần nữa rằng trong xã hội hiện đại, Khách hàng có không chỉ lựa chọn dựa trên chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn dựa trên nhiều yếu tố khác. Uy tín của doanh nghiệp và các cam kết xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng đến quyết định của Khách hàng và lợi nhuận lâu dài của công ty. Việc doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị xã hội hơn là lợi nhuận đơn thuần cũng đảm bảo vị thế và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. 

Các lợi ích vô hình mà hoạt động CSR mang lại có thể kể đến: 

- Góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp

- Góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

- Giúp doanh nghiệp thu hút nguồn lao động giỏi.

- Góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia.

Từ những lợi ích lâu dài đó, hy vọng doanh nghiệp và xã hội sẽ thay đổi quan niệm “Trách nhiệm xã hội là đi làm từ thiện” và đầu tư xây dựng một chiến lược CSR bài bản, hiệu quả hơn!

---------------------------

Link nghiên cứu của Nielsen năm 2017: https://www.nielsen.com/vn/vi/insights/report/2017/nielsen-csr-2017/

Link Khảo sát Doanh nghiệp BP500 : https://vietnamreport.net.vn/Cong-bo-500-Doanh-nghiep-Viet-Nam-thinh-vuong-nam-2018-7695-1006.html