Nguyên nhân mạng chậm, cách tăng tốc độ mạng trở nên mượt mà

Thời đại 5.0 được định hình bởi AI, Big data, Internet of Things,... Vậy mà đôi khi bạn vẫn phải đau đầu với tình trạng mạng yếu, mạng lag. Cùng FPT Telecom tìm hiểu nguyên nhân và những giải pháp giúp cho mạng nhà bạn trở nên mượt mà hơn bao giờ hết
Để có thể tăng tốc độ mạng trở nên mượt mà hơn thì bạn cần tìm ra nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể chia thành 2 nguyên nhân chính đó là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Cùng tìm hiểu loạt nguyên nhân dưới đây và tìm ra cách khắc hiệu quả nhất cho thiết bị nhà bạn:
1. Do đứt cáp quang hoặc lỗi từ nhà cung cấp dịch vụ
Đứt cáp quang hoặc lỗi từ nhà cung cấp dịch vụ là một trong số những lỗi cơ bản thường gặp dẫn đến việc mạng của bạn bị chậm, lag một cách bất thường. Đây được xem như nguyên nhân khách quan nằm ngoài mong muốn của nhà mạng. Đường truyền bị gặp trục trặc có thể do thời tiết mưa bão làm đứt cáp, do bị cháy hộp tín hiệu, đường truyền bị đứt... Như vậy sẽ khiến cho mạng internet bị sự cố.
Trong trường hợp này thì bạn sẽ không thể tự mình xử lý được, hãy cung cấp thông tin ngay cho nhà cung cấp để họ nhanh chóng báo cho nhân viên kỹ thuật xử lý kịp thời.
2. Nhiều thiết bị cùng truy cập
Một trong những nguyên nhân khiến mạng chậm là do số lượng thiết bị kết nối quá nhiều cùng lúc, dẫn đến tình trạng quá tải. Khi đó, dù đã kết nối Wi-Fi, bạn vẫn có thể gặp khó khăn trong việc truy cập Internet. Ngoài ra, mỗi gói cước Internet đều có giới hạn nhất định về số lượng thiết bị có thể kết nối đồng thời, nên nếu vượt quá mức này, tốc độ mạng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Để khắc phục được lỗi này thì bạn có thể lắp thêm bộ phát wifi, chọn bộ phát wifi mới có hỗ trợ người truy cập lớn hơn, đổi mật khẩu wifi hay là chặn người dùng… Đặc biệt khi sử dụng các gói mạng đến từ nhà FPT, bạn có thể dễ dàng thay đổi mật khẩu trên điện thoại thông qua ứng dụng Hi FPT.
3. Nhiều ứng dụng chạy ngầm
Việc có quá nhiều ứng dụng chạy ngầm có thể làm tiêu tốn băng thông, khiến mạng chậm và lag. Các ứng dụng này liên tục sử dụng Internet để cập nhật, đồng bộ dữ liệu hoặc tải nội dung, làm giảm tốc độ truy cập của các tác vụ quan trọng.
Để khắc phục, bạn nên kiểm tra và tắt các ứng dụng không cần thiết, tắt cập nhật tự động và ưu tiên băng thông cho những hoạt động quan trọng.
4. Lỗi từ Modem Router
Khi modem mạng bị lỗi, đây là tình trạng khá phổ biến trong quá trình sử dụng Internet. Dấu hiệu nhận biết bao gồm kết nối chập chờn, tốc độ mạng chậm bất thường hoặc khi chạm vào modem, bạn cảm thấy thiết bị quá nóng. Nếu không xử lý kịp thời, modem có thể bị treo, giảm hiệu suất hoạt động và thậm chí không thể cung cấp Internet.
Để khắc phục, bạn nên khởi động lại modem định kỳ khoảng 2 ngày một lần để duy trì hiệu suất ổn định và hạn chế tình trạng quá tải dẫn đến rớt mạng liên tục.
5. Thiết bị nhiễm virus
Một trong những nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng mạng chậm là do thiết bị kết nối bị lỗi hoặc nhiễm virus. Khi máy tính hoặc điện thoại bị phần mềm độc hại tấn công, hiệu suất hoạt động sẽ giảm sút, dẫn đến tốc độ truy cập Internet cũng bị ảnh hưởng.
Để hạn chế tình trạng này, bạn nên cài đặt các phần mềm diệt virus đáng tin cậy như Bkav, Kaspersky… nhằm bảo vệ thiết bị khỏi các mối đe dọa.
Ngoài ra, việc thiết lập tường lửa sẽ giúp ngăn chặn virus và phần mềm độc hại xâm nhập từ Internet. Nếu thiết bị gặp lỗi khiến hệ thống hoạt động chậm, bạn có thể cài đặt lại hệ thống hoặc khôi phục cài đặt gốc để cải thiện tốc độ truy cập mạng.
6. Một số trang web bị chặn hoặc hạn chế tốc độ truy cập
Một số trang web có thể bị chặn hoặc hạn chế tốc độ truy cập do chính sách của nhà mạng, quy định quốc gia, quá tải máy chủ hoặc bị tường lửa chặn.
Để khắc phục, bạn có thể sử dụng VPN, đổi DNS hoặc thử truy cập bằng trình duyệt ẩn danh. Nếu tình trạng không cải thiện, hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ Internet để được hỗ trợ.