Blog | Viễn thông , 20-02-2025 22:34
Game thủ, streamer, những người thường xuyên đi du lịch, làm việc ngoài trời hay các doanh nghiệp cần kết nối Internet ổn định thường sử dụng Internet vệ tinh. Vậy Internet vệ tinh là gì? Ưu nhược điểm là gì? Có điểm gì giống và khác so với Internet cáp quang? Bài viết dưới đây sẽ trả lời chi tiết, mời bạn tham khảo!
Internet vệ tinh là dịch vụ Internet cung cấp kết nối mạng thông qua hệ thống vệ tinh nhân tạo ở xung quanh quỹ đạo Trái Đất nên có thể cho phép người dùng truy cập Internet từ hầu hết mọi vị trí trên thế giới. Đây là giải pháp Internet lý tưởng cho những nơi hạ tầng mạng cáp quang và cáp đồng chưa thể tiếp cận.
Internet vệ tinh truyền tín hiệu từ thiết bị lên vệ tinh và ngược lại thông qua sóng vô tuyến và hệ thống trạm thu phát mặt đất
Công nghệ này hoạt động bằng cách truyền tín hiệu từ thiết bị tới trạm mặt đất, từ trạm mặt đất lên vệ tinh, sau đó tín hiệu được phản hồi trở về trạm mặt đất rồi đến các thiết bị khác và ngược lại. Tín hiệu được truyền đi dưới dạng sóng vô tuyến, không sử dụng dây dẫn nên không bị giới hạn băng thông. Nhờ đó, Internet vệ tinh có thể đáp ứng tốt các dịch vụ yêu cầu băng thông lớn như truyền phát video chất lượng cao, chơi game online, họp trực tuyến…
Quá trình phát triển của Internet vệ tinh trải qua những cột mốc quan trọng sau:
- Năm 1957: Liên Xô phóng thành công Sputnik-1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay quanh Trái Đất, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên công nghệ vệ tinh và mở màn "cuộc chạy đua vào không gian" giữa Liên Xô và Mỹ.
- Năm 1962: Mỹ phóng thành công Telstar-1 - vệ tinh truyền thông hoạt động đầu tiên trên thế giới, có thể thực hiện truyền hình trực tiếp xuyên Đại Tây Dương, chứng minh công nghệ Internet vệ tinh có thể vượt qua rào cản địa lý, kết nối mọi người trên toàn thế giới với nhau.
- Thế kỷ XXI: Công nghệ Internet vệ tinh ngày càng hiện đại với vệ tinh địa tĩnh và vệ tinh quỹ đạo thấp LEO, mạng lưới truyền thông vệ tinh được mở rộng và tốc độ truyền dữ liệu được cải thiện. Các công ty SpaceX của Mỹ và OneWeb của Vương quốc Anh tham gia phát triển công nghệ này, hứa hẹn phủ sóng Internet vệ tinh trên toàn cầu trong tương lai.
Hình ảnh vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay quanh Trái Đất - Sputnik-1
Internet vệ tinh xuất hiện và ngày càng phát triển đã giúp mạng Internet tới những địa điểm hạn chế trong việc lắp đặt dây cáp mạng như vùng biển đảo, vùng sâu, vùng xa. Công nghệ này còn giúp phát triển mạng lưới truyền thông toàn cầu, có tính bảo mật cao hơn Internet thông thường và không phụ thuộc vào hạ tầng mặt đất. Cụ thể như sau:
Công nghệ Internet truyền thống sử dụng dây cáp để truyền tín hiệu giữa các thiết bị đầu cuối. Do đó, những nơi không có dây cáp do giới hạn về địa hình, không thể lắp đặt hoặc việc lắp đặt khó khăn sẽ không thể kết nối mạng. Công nghệ Internet vệ tinh đã giải quyết vấn đề này bằng cách truyền tín hiệu bằng sóng vô tuyến từ thiết bị này tới thiết bị khác thông qua các trạm mặt đất và vệ tinh xung quanh quỹ đạo Trái Đất. Nhờ đó, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, nơi xảy ra thiên tai… cũng có thể kết nối Internet dễ dàng.
Internet vệ tinh có thể tiếp cận vùng sâu, vùng xa - khu vực gặp khó khăn khi xây dựng hạ tầng cáp quang
Do khắc phục được hạn chế về đường dây cáp và nhờ hệ thống vệ tinh tĩnh cố định trên quỹ đạo Trái Đất, Internet vệ tinh có thể mang Internet tới hầu hết mọi địa điểm trên thế giới, kết nối mọi người và truyền tải thông tin nhanh chóng theo thời gian thực. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mạng lưới truyền thông toàn cầu, đặc biệt với những chương trình phát sóng trực tiếp.
Khi hệ thống liên lạc mặt đất bị hư hỏng do thiên tai, Internet vệ tinh vẫn có thể cung cấp kết nối, hỗ trợ liên lạc cứu hộ, điều phối hỗ trợ và duy trì liên lạc giữa các khu vực thông qua vệ tinh xung quanh Trái Đất. Điều này giúp các biện pháp cứu trợ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, khắc phục được hậu quả thiên tai tốt hơn.
Do đó, Internet vệ tinh trở thành giải pháp đáng tin cậy trong tình huống cấp bách và là phương án dự phòng hiệu quả khi hệ thống mặt đất gặp sự cố, không hoạt động.
Mạng cáp quang hay cáp đồng cần có hệ thống dây cáp, trạm thu phát và cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Khi xảy ra thiên tai như động đất, bão lũ hay ở những nơi điều kiện hạ tầng hạn chế không thể lắp đặt dây cáp, hệ thống này dễ gây hư hỏng, gây mất kết nối. Trong khi đó, Internet vệ tinh hoạt động dựa trên vệ tinh xung quanh Trái Đất, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện địa lý, hạ tầng mặt đất hay sự cố thiên tai. Nhờ đó có thể mở rộng mạng lưới, mang Internet tới hầu hết các địa điểm trên toàn cầu.
Internet vệ tinh hoạt động dựa vào hệ thống vệ tinh xung quanh Trái Đất, không phụ thuộc vào hạ tầng mặt đất
Bên cạnh những ưu điểm, Internet vệ tinh cũng có những hạn chế như dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chi phí cao và độ trễ cao hơn cáp quang. Đây là nguyên nhân khiến hệ thống này vẫn chưa được phổ cập rộng rãi. Cụ thể như sau:
Internet vệ tinh không bị ảnh hưởng bởi vị trí và khoảng cách địa lý hay địa hình nhưng trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn, gió lớn có thể làm kết nối chậm hơn hoặc bị gián đoạn. Cụ thể:
- Mưa lớn, tuyết dày, sương và bão có thể gây hấp thụ hoặc phản xạ sóng vô tuyến, dẫn đến suy giảm hoặc gián đoạn tín hiệu giữa vệ tinh và thiết bị thu trên mặt đất.
- Tình trạng gió mạnh có thể làm lệch hướng anten, ảnh hưởng đến khả năng thu tín hiệu.
- Sét có thể gây nhiễu điện từ, nhiễu sóng vô tuyến truyền tải giữa các thiết bị và vệ tinh, làm sóng yếu hoặc ngắt kết nối tạm thời.
Tín hiệu Internet vệ tinh có thể bị ảnh hưởng khi mưa lớn và sấm sét
Để duy trì hoạt động của Internet vệ tinh cần liên tục phát triển, phóng và duy trì các vệ tinh trong không gian, điều này tiêu tốn chi phí rất cao, đặc biệt với gói cước tốc độ cao và băng thông lớn. Điều này làm cho cước phí dịch vụ Internet vệ tinh cao hơn so với Internet cáp quang. Ngoài ra, các thiết bị thu sóng vệ tinh cũng có giá thành đắt đỏ. Vì vậy, chi phí sử dụng Internet vệ tinh cao, không phù hợp với tất cả người dùng.
Chi phí lắp đặt trạm thu phát cao
Với Internet vệ tinh, tín hiệu được truyền từ thiết bị này tới vệ tinh sau đó tới các thiết bị khác, quãng đường này xa hơn nhiều so với đường truyền cáp quang trên mặt đất. Do đó, Internet vệ tinh có thể có độ trễ cao hơn so với Internet cáp quang. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng tín hiệu và tốc độ truyền tải, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi mưa gió lớn.
Khoảng cách từ vệ tinh đến mặt đất lớn nên Internet vệ tinh có độ trễ cao hơn Internet cáp quang
Dưới đây là bảng so sánh Internet vệ tinh với Internet cáp quang và Internet cáp đồng (ADSL) qua 6 tiêu chí, giúp bạn phân biệt rõ và biết được ưu - nhược điểm của từng loại.
Tiêu chí | Internet vệ tinh | Internet cáp quang, ADSL |
Phạm vi phủ sóng | Hầu hết mọi vị trí trên Trái Đất, bao gồm cả vùng sâu vùng xa và trên biển | Hạn chế, hệ thống cáp quang thường tập trung ở khu vực đô thị, gặp khó khăn khi xây dựng ở vùng sâu, vùng xa hay trên biển. |
Yêu cầu lắp đặt | Đơn giản vì chỉ cần lắp đặt anten và thiết bị thu. | Phức tạp hơn vì yêu cầu kéo cáp, lắp đặt Modem. |
Tốc độ truyền dẫn | Thấp hơn do khoảng cách truyền tải lớn, bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. | Cao hơn do khoảng cách ngắn hơn và băng thông lớn hơn. |
Độ ổn định | Bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vật cản, có thể bị gián đoạn. | Ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. |
Độ trễ | Lớn hơn do khoảng cách truyền tải lớn. | Thấp hơn do khoảng cách truyền tải ngắn hơn. |
Chi phí | Cao hơn do cần chi phí lớn để duy trì hoạt động của vệ tinh và các trạm phát mặt đất. | Tháp hơn vì hạ tầng cáp quang có chi phí đầu tư thấp hơn. |
Ứng dụng | Phù hợp với các khu vực gặp khó khăn khi xây dựng hạ tầng cáp quang và cung cấp internet để liên lạc trong các tình huống khẩn cấp. | Phù hợp với hộ gia đình, doanh nghiệp, cần tốc độ cao và ổn định. |
Khi bạn cần kết nối Internet ở những khu vực khó kéo cáp như vùng sâu, vùng xa, biển đảo, sa mạc… hay những địa điểm gặp thiên tai.
Thậm chí hiện nay, tại các vùng biên giới hải đảo, vùng ven khó tiếp cận, sử dụng các gói cước của nhà mạng uy tín sẽ tối ưu hơn so với Internet vệ tinh bởi quy trình đăng ký phức tạp, nhiều thủ tục và rào cản.
Ví dụ Tốc độ của Starlink (Internet vệ tinh của Elon Musk) là 50 - 150 Mbps, ngang ngửa gói Internet Giga của FPT Telecom (150Mbps Download/Upload) trong khi cước thuê bao có sự chênh lệch lớn. Tại Mỹ, Starlink có giá 99 USD/tháng (chưa tính 499 USD phí trang thiết bị ban đầu). Nhưng bạn chỉ cần bỏ ra từ 165.000 VNĐ/ tháng (tức chưa đến 7 USD/ tháng) và được trang bị miễn phí Modem WiFi 6 hiện đại.
Các gói cước Internet của nhà mạng đang được ưu tiên tại Việt Nam hơn so với Internet vệ tinh
Trên đây là những thông tin về khái niệm, quá trình phát triển, ưu - nhược điểm của Internet vệ tinh cùng so sánh với Internet cáp quang. Mong rằng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ về công nghệ Internet này để có thêm sự lựa chọn phù hợp khi không có cáp quang hoặc mạng cáp quang đang gặp sự cố.