1900 6600
Live Chat
1900 6600

'FPT Telecom tạo sự cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền ở thị trường Internet'

Tin FPT , 10-01-2017 16:49

Theo báo cáo tổng kết của Bộ TT&TT năm 2016, tỷ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam đạt 62,76% dân số, trong đó tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet đạt 24,38%, tức là cứ 5 gia đình thì có một hộ sử dụng băng thông rộng cố định. Trong đó, theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tháng 11/2016, tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định đạt hơn 9 triệu thuê bao và số thuê bao băng rộng di động đạt hơn 12,6 triệu thuê bao. Với số thuê bao Internet cố định, số thuê bao truy nhập Internet qua mạng cáp đồng xDSL đạt hơn 1,9 triệu thuê bao, số thuê bao cáp quang FTTH đạt gần 6,2 triệu thuê bao. Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2016, số lượng thuê bao cáp đồng xDSL đã “bốc hơi” gần 1,3 triệu thuê bao và số thuê bao cáp quang FTTH tăng lên 2,3 triệu thuê bao.

Sự tăng lên nhanh chóng của thuê bao cáp quang đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ Internet trung bình ở Việt Nam, cụ thể, báo cáo từ Akamai quý 2/2016 cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 53 quốc gia chứng kiến mức tốc độ kết nối Internet trung bình tăng so với quý trước. Cụ thể, tốc độ kết nối Internet trung bình của Việt Nam đạt 5,1 Mbps, tăng 2,3% so với quý trước và tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tỷ lệ kết nối trên 10 Mbps nhanh nhất trong số các quốc gia được khảo sát. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ kết nối trên 10 Mbps của Việt Nam tăng tới 1,389%, đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở một kết quả đo kiểm khác, trong quý 2 tỷ lệ kết nối Internet có tốc độ trên 15 Mbps của Việt Nam là 1,3%, tăng 1,512% so với cùng kỳ năm trước và cũng dẫn đầu khu vực.

Nếu nhìn vào tỷ lệ 62,76% dân số sử dụng Internet hiện nay, bất kỳ ai cũng dễ dàng thấy được sự tăng trưởng “phi mã” về số lượng người dùng khi mà ở thời kỳ đầu tiên với Internet quay số “dial up”, từ năm 1997 – 2003, Việt Nam mới có khoảng 3,1 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số Việt Nam lúc đó). Tuy nhiên, sự ra đời của các dịch vụ mới như ADSL, FTTH, mạng 3G hay tới đây là mạng 4G cùng với việc giá cước sử dụng thấp, giá cước sử dụng Internet tại Việt Nam bây giờ cũng thấp hơn 100 lần so với 15 năm trước (năm 1997, giá cước Internet là 400 đồng/phút) đã khiến tỷ lệ dân số sử dụng Internet tăng hơn 15 lần.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Việt Nam, từng phát biểu, kể từ khi bắt đầu được cung cấp, cơ sở hạ tầng Internet Việt Nam từ con số 0 tròn trĩnh nay đã sánh ngang với các nước trên thế giới với đầy đủ các công nghệ hiện đại như kết nối Internet bằng cáp quang hay kết nối không dây 3G. Nhờ đó, Internet đã và đang góp phần lớn lao vào việc thay đổi cuộc sống, từ kinh tế, văn hóa đến các hoạt động vui chơi giải trí của người Việt Nam.

Tie-JPG.jpg

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết, khi ký giấy phép cho FPT tham gia thị trường, ông muốn sử dụng FPT để làm “đột phá khẩu” tạo sự cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền ở thị trường Viễn thông và Internet.

FPT, Viettel đã tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường viễn thông, Internet

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập FPT Telecom, kể lại quãng thời gian cấp phép cho FPT tham gia vào thị trường Internet, ông Trực cho biết, ông muốn sử dụng FPT để làm “đột phá khẩu” tạo sự cạnh tranh ở thị trường viễn thông và Internet. Khi đó, ông đã yêu cầu anh Lê Nam Thắng (Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT - PV) hàng tuần báo cáo số liệu thuê bao Internet của từng doanh nghiệp và nếu doanh nghiệp nào đạt được 30% thị phần thì lúc đó việc mở cửa thị trường đã thành công. “Trên cơ sở đó, khi FPT Telecom đạt được 30% thị phần, tôi rất mừng và thở phào nhẹ nhõm vì đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng đã mở cửa thị trường Internet thành công”, ông Trực nhấn mạnh.

"Nhiều doanh nghiệp cảm ơn Tổng cục Bưu điện và tôi, nhưng tôi mới phải cảm ơn lại FPT, Viettel vì nếu họ không thành công tức là chính sách của tôi thất bại. VNPT có công rất lớn trong quá trình số hóa nhưng phá bỏ độc quyền nghĩa là chúng ta không cản trở sự phát triển của đất nước. Nhờ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp trong nước đã có sự cọ xát cạnh tranh, giảm giá cước và chiếm lĩnh thị trường từ trước đó nên sau bao nhiều năm thị trường viễn thông vẫn rất thành công, không bị thua thiệt khi mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm chắc thị trường quốc tế và vươn ra nước ngoài, toàn cầu hóa”, ông Trực khẳng định.

ICT News