FptTelecom
Live Chat
19006600
back-to-top

'Việt Nam chỉ có lựa chọn phải giàu lên'

Tin FPT , 31-03-2016 08:59

Hội thảo Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia do FPT tổ chức vào chiều nay, ngày 30/3, đã thu hút sự quan tâm của 50 khách mời là lãnh đạo Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hiệp hội Phần mềm Việt Nam cùng đại diện cho các thành tố quan trọng khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như Quỹ đầu tư, doanh nghiệp, các hiệp hội, trường học… tham dự chương trình. 

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, đất nước sau 30 năm đổi mới vẫn còn nghèo, mặc dù nhìn vào lịch sử mấy nghìn năm cho thấy, vấn đề không phải người Việt kém mà chính là cơ chế. Để giải bài toán này, Chính phủ sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho tất cả mọi người đều phát huy được năng lực. Trong đó, doanh nghiệp sẽ là lực lượng trực tiếp tạo ra môi trường.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng, các nhà khởi nghiệp cần thay đổi suy nghĩ.

"Việt Nam không có lựa chọn nào khác phải giàu lên. Mặc dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về chính sách xã hội, song các doanh nghiệp cần phát triển mạnh mẽ. Để trở thành quốc gia khởi nghiêp, tinh thần khởi nghiệp phải là từ khóa của tất cả các diễn đàn", ông nói.

Từ góc nhìn của Chính phủ, ông Đam hy vọng, tinh thần khởi nghiệp sẽ được nhen nhóm dần lên từ cộng đồng nhỏ lan ra toàn xã hội. Điều quan trọng nhất là tất cả mọi nguời phải ứng dụng khoa học công nghệ, sáng tạo và đổi mới lập nghiệp để làm đất nuớc giàu lên, chứ không phải dừng lại ở hình thức. "Chính phủ sẽ đi cùng doanh nghiệp, tạo những điều kiện thuận lợi nhất có thể, liên quan đến đổi mới sáng tạo để chúng ta không đứng ngoài làn sóng cách mạng thứ 4 mà còn vào sâu hơn nữa", Phó Thủ tướng khẳng định. 

Trước đó, chia sẻ trong phần khai mạc chương trình, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhắc lại bối cảnh bất ổn mà cuộc cách mạng số đang tạo ra trên toàn cầu. "Việt Nam sẽ đi đâu, chúng ta sẽ làm gì?" người đứng đầu FPT đặt ra vấn đề thảo luận cho hội thảo. Anh cũng hy vọng, chương trình sẽ giúp các thế hệ trẻ tiếp nhận những việc giúp họ thành công trong tương lai.

Hiện thực hóa mong ước này, FPT và Quỹ đầu tư dài hạn Dragon CapitalGroup đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA). Đây là một trong những sáng kiến về khởi nghiệp quốc gia đầu tiên được thực thi.

Việc thành lập VIISA hưởng ứng chương trình quốc gia Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ khởi động.

VIISA là một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư. Mục đích của quỹ là sàng lọc, đào tạo, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, di động, Internet, tài chính để trở thành các doanh nghiệp thành công. Dự kiến trong quý II/2016, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISA sẽ chính thức bắt đầu.

Quỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mới để góp phần thực hiện mục tiêu Bộ Khoa học Công nghệ đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 công ty công nghệ. Các nhà sáng lập của VIISA khẳng định sẽ nỗ lực đưa quỹ thành trung tâm tâm kết nối các startup Việt Nam với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới.

Hiện FPT và Dragon Capital Group đang kêu gọi nhiều tên tuổi nằm trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng như các quỹ, vườn ươm khởi nghiệp khác trên thế giới cùng tham gia xây dựng và phát triển VIISA.

Đại diện các hệ sinh thái khởi nghiệp chia sẻ về vấn đề làm sao để đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp.

Trong phần tọa đàm mở, các đại biểu đã đề cập tới những vấn đề làm sao giúp đất nước trở thành quốc gia khởi nghiệp qua việc phân tích những lợi thế của Việt Nam xếp hạng cao trong thế giới số, đóng góp của cộng đồng khởi nghiệp trong việc tạo kết nối và cần những cơ chế gì để thúc đẩy khởi nghiệp.

Kết luận lại nội dung này, Phó Thủ tướng nhìn nhận, startup dù không hoàn toàn tập trung trong mảng CNTT nhưng đều dựa trên những thế mạnh của CNTT, do đó, điều quan trọng nhất của khởi nghiệp chính là sáng tạo và đổi mới.

Theo ông Đam, các nhà khởi nghiệp không nên nghĩ theo cách cũ mà cần nhìn vào bản chất của vấn đề. Chính phủ Việt Nam không phải không sẵn sàng đầu tư, ngược lại, đầu tư cho khoa học và giáo dục rất nhiều. Chính phủ cũng cam kết đồng hành với các quỹ tư nhân, nhưng vấn đề là có nhiều quy định về hiệp định xuyên biên giới cần phải tuân thủ nghiêm túc. Mặc dù Chính phủ đã cởi trói nhiều vướng mắc, nhưng cởi trói không chưa đủ, còn phải làm sao để thúc đẩy phát triển. Do đó, cần đầu tư mạnh vào CNTT và thay đổi cách nhìn nhận chính để tạo ra cơ hội.

"Người Việt Nam nói chung, khi có cái mới thì không cổ vũ mà đặt ra quá nhiều câu hỏi, ngược lại với người phương Tây. Chúng ta cần nghĩ lại, đừng hướng vào bên trong mà hướng ra bên ngoài. Phần lớn, với những vấn đề có tính chất công nghệ ở nước ta, không dồn sức đi sâu vào tận cùng mà chỉ đi rộng, khoán gọn, chúng ta không có những chuyên gia thật giỏi. Nhiều nguời giỏi sơ sơ mỗi thứ một tí; nhiều làn sóng công nghệ mới ai cũng biết nhưng cái khó là không đi sâu để có được những startup thật sự giỏi", ông nói.

50 khách mời là lãnh đạo Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hiệp hội Phần mềm Việt Nam cùng đại diện cho các thành tố quan trọng khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như Quỹ đầu tư, doanh nghiệp, các hiệp hội, trường học đã tham dự chương trình.

Về vấn đề cộng đồng startup hiện đang thiếu sự kết nối. Phó Thủ tướng cho hay, cần kêu gọi các đại sứ, tổ chức chung tiếng nói. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đã khởi nghiệp rồi nhưng sản phẩm lại không vào được Việt Nam, thì cần phải có kênh để cùng nhau mở rộng. "Tôi sẽ bàn với Chính phủ soạn thảo ra các vấn đề cần phải làm để thúc đẩy khởi nghiệp", ông Đam cam kết.

Trần Quang Hưng, Up Co-working Space, nhìn nhận, buổi tọa đàm là sáng kiến rất tốt của FPT khi kết nối các hệ sinh thái hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp. "Chương trình hôm nay có đầy đủ các ban ngành liên quan, cùng thảo luận và chia sẻ sẽ là lực lượng đắc lực giúp đỡ các startup trong nước", anh nói.

Trước đó, vào tháng 5/2015, FPT ra mắt Quỹ đầu tư mạo hiểm (FPT Ventures) với mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới. FPT Ventures hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các startup bằng việc cung cấp tiền mặt, nguồn lực cũng như kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý. 

Thanh Nga