1900 6600
Live Chat
1900 6600

Chàng trai khuyết tật giành giải nhất cuộc thi viết về Internet

Tin FPT , 07-12-2012 15:26

Thứ ba, 04 Tháng 12 2012 15:41

Tác giả Trần Hồng Giang (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nam Định) cùng tác phẩm Internet - sự kỳ diệu cho số phận của tôi đã giành giải nhất với số điểm cao nhất từ hội đồng giám khảo.

hong giang 2

Sau một tháng ngắn ngủi, cuộc thi viết “Internet đã thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào” đã chính thức được khép lại với 154 bài dự thi từ các độc giả trên mọi miền đất nước. Thành phần dự thi rất đa dạng, từ học sinh – sinh viên, nhà báo cho đến người cao tuổi. Mỗi bài viết đều là suy nghĩ, chia sẻ rất riêng về những lợi ích mà Internet đem lại cho cuộc sống của tác giả.

“Năm sau chúng mày lại lên, kéo cho tao cái thằng in-tờ-nét đó nhé. Nó như con ma, cũng không thấy hình, thấy bóng nhưng cái bụng nó lại tốt hơn con ma nhiều đấy” – Trích đăng bài dự thi "Trong một lần 'cõng net' lên huyện Xí Mần (Hà Giang)" của tác giả Phạm Văn Ba.

Hoặc như tác giả Nguyễn Phong Niên, gần 80 tuổi, viết: “Xin nói một lời chân thành nhất: Tôi cảm ơn các bác, các anh chị đã đưa Internet vào nước ta sớm và các anh chị đang ngày đêm làm việc để phát triển nhanh chóng, hiện đại mạng thông tin. Những năm tuổi già, tôi được thụ hưởng đôi chút thành tựu của nền văn minh thông tin, thấy mình trẻ ra, khỏe ra, sống vui và vẫn có ích”.

Giải nhì được trao cho tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên - tác phẩm: Tái sinh nhờ Internet). Hai giải ba thuộc về các tác giả Vương Thị Bích Việt (Quảng Ninh - tác phẩm: Có một cánh cửa không bao giờ đóng lại những cơ hội), Phạm Văn Ba (Thái Bình - tác phẩm: Kỷ niệm một lần “cõng” thông tin lên bản).

Trần Hoài (Nghệ An - tác phẩm: Internet và nhà báo trong bão lũ), Nguyễn Thị Ngọc Phương (TP HCM), Nguyễn Phong Niên (Hà Nội - tác phẩm: Truy cập Internet - Thật hứng thú và bổ ích với tuổi già!), Nguyễn Thị Cẩm Vân (Long An - tác phẩm: Hai lúa lột xác), Đinh Lê Vũ (Đồng Nai - tác phẩm: Những câu chuyện diệu kỳ), Nguyễn Thành Công (Cà Mau – tác phẩm: Bước ngoặt trong đời) và Chu Mạnh Dũng (Thái Bình - tác phẩm: Trong mắt bạn, Internet là gì?) giành được giải khuyến khích.

Đối với các cá nhân đoạt giải tại Hà Nội, đại diện Ban tổ chức sẽ liên hệ để trao giải. Với các tác giả được giải nhưng không có mặt tại Hà Nội, Ban tổ chức sẽ liên hệ trực tiếp và thống nhất phương án trao tặng giải thưởng.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, thành viên Ban giám khảo cuộc thi, chia sẻ: “Cuộc thi chỉ diễn ra ngắn trong thời gian một tháng nhưng tôi thực sự xúc động trước tình cảm của các tác giả đã gửi bài. Trong quá trình chấm, nhiều bài viết đã khiến tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần, bởi ảnh hưởng của Internet tác động tới cuộc sống của tác giả là quá lớn. Hàng ngày, chúng ta vẫn thường nói tới các công nghệ truyền dẫn, kết nối tốc độ này, tốc độ kia nhưng phải đọc những lời chia sẻ này, mới thấy giá trị thực mà Internet mang lại. Công nghệ hiện đại đến mấy mà không mang lại lợi ích cho người dùng thì cũng trở nên vô nghĩa”.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom, đơn vị đồng tổ chức và tài trợ cuộc thi, cho biết: “Kết quả từ cuộc thi này mang những ý nghĩa rất lớn. Có nhiều tấm gương nhờ Internet đã thay đổi được cuộc đời. Có nhiều người dân nước ta đã đổi đời nhờ Internet. Từ góc độ của nhà cung cấp dịch vụ, tôi nhận thấy FPT Telecom hay các doanh nghiệp viễn thông khác sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Trong nhiều năm qua, dù số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều người chưa được biết đến lợi ích mà Internet mang lại. Thông qua cuộc thi này, FPT Telecom đã tìm thấy nhiều tấm gương người thực, việc thực để tiếp tục hành trình mang Internet với cuộc sống, nhằm phổ biến những lợi ích của Internet đến người sử dụng ngày càng nhiều hơn”.

(Theo Số hóa)