Từ việc cung cấp dịch vụ Internet cho các game thủ, FPT Telecom đặt mục tiêu trở thành một nhân tố kết nối các đối tác, cùng nâng tầm ngành thể thao điện tử (eSports) Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, ghi dấu ấn không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.
Sau hơn 10 năm tổ chức, Giải vô địch thể thao điện tử Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam VCS vừa kết thúc với chiến thắng thuộc về đội tuyển Gam eSports. Trên khán đài của nhà thi đấu Nguyễn Du, TP HCM, năm nay có thêm một “khán giả” đặc biệt. Đó là ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Telecom. Xuất hiện với vai trò của nhà tài trợ hạ tầng Internet cho giải, ông tự nhận mình còn phấn khích hơn cả người hâm mộ, khi được hòa mình vào bầu không khí của một giải đấu eSports được mong chờ nhất tại Việt Nam.
“Chỉ đến khi thực sự tham dự các giải thi đấu eSports đỉnh cao, tôi mới thấy nó hấp dẫn không thua kém bất cứ môn thể thao nào hiện nay, thậm chí còn sôi động hơn bởi hầu hết xung quanh đều là các bạn trẻ”, ông nói.
Không riêng VCS, từ hơn một năm nay, người theo dõi thể thao điện tử tại Việt Nam dần quen thuộc với sự xuất hiện của FPT Telecom. Nhà cung cấp Internet Việt Nam không chỉ là đơn vị đảm bảo kết nối cho các giải đấu, mà còn là cái tên được chọn của nhiều người chơi hàng ngày với các gói Internet F-Game, hay là nơi tường thuật các trận đấu qua nền tảng truyền hình FPT Play. “eSports là một phần quan trọng trong chiến lược của FPT Telecom”, ông Việt Anh khẳng định.
Tiềm năng, thách thức của eSports Việt Nam
Đi đến quyết định này là kết quả sau quá trình nhiều năm nghiên cứu, theo dõi của những người đứng đầu FPT Telecom. Với mục tiêu ban đầu là muốn tìm hiểu về người trẻ, những khách hàng trong tương lai của công ty, họ nhận thấy một trong những lĩnh vực được các bạn trẻ quan tâm nhiều nhất là eSports. Báo cáo của Statista năm 2023, Việt Nam có hơn 600(1) người chơi chuyên nghiệp, đứng thứ 11 thế giới. Theo số liệu từ Data.ai và Appota, năm 2022, các sản phẩm thể thao điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về doanh thu và số lượt tải lần lượt là 34% và 39% (2).
Ảnh: Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Việt Anh
Nhận định này càng được củng cố khi theo dõi các sự kiện game. Ví dụ Vietnam GameVerse năm thứ hai thu hút 40 nghìn lượt khách tham dự, tăng gấp đôi so với năm trước(3). Ông Việt Anh cũng kể về cuộc trò chuyện với một nhà phát hành game quốc tế, được họ cho biết Việt Nam luôn nằm trong top 3 về số người theo dõi các sự kiện game của họ. Theo người đứng đầu FPT Telecom, bên cạnh việc có những game thủ tài năng vươn tầm thế giới, việc có được số lượng người hâm mộ đông đảo là nền tảng vững chắc để ngành eSports Việt Nam phát triển.
Một động lực quan trọng khác là sự quan tâm của cơ quan quản lý, góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về game và eSports. Từng là lĩnh vực mang sắc thái tiêu cực, nay eSports dần được chấp nhận và được quan tâm, ủng hộ. Sự ra đời của Liên minh game, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) là minh chứng cho điều này. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa chuyên ngành game vào đào tạo tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đồng thời kết nối với một số trường như Đại học FPT, Tôn Đức Thắng, Bách khoa Hà Nội để bổ sung nhân sự cho lĩnh vực này.(4)
Tuy nhiên, từ quá trình nghiên cứu và tham gia trực tiếp và các sự kiện game, chủ tịch FPT Telecom cũng đánh giá nền eSports nước nhà cần thêm các yếu tố khác để có thể vươn tầm chuyên nghiệp.
Định kiến về game và người chơi còn tồn tại khiến Việt Nam có thể bỏ lỡ nhiều game thủ tài năng. Tương tự các môn khác, thể thao điện tử vẫn xuất hiện những tiêu cực trong thi đấu và càng khó kiểm soát hơn trên môi trường Internet. Ngoài ra, khoảng cách về trình độ phát triển eSports của Việt Nam với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn còn khá xa. “eSports mới thành hình ở Việt Nam chưa lâu và hệ thống thi đấu của Việt Nam vẫn khá sơ sài nếu so với mặt bằng chung các môn thể thao truyền thống như bóng đá. Đây là bài toán cần giải”, ông nói.
Mục tiêu nâng tầm eSports Việt Nam
Nằm trong mục tiêu nâng tầm Việt Nam trên bản đồ quốc tế, sau thành công từ những lĩnh vực như công nghệ thông tin, viễn thông, nội dung số, eSports là một trong những lĩnh vực tiếp theo được FPT Telecom lựa chọn.
“Người Việt có thế mạnh ở các môn liên quan đến tư duy và điều đó đã được minh chứng trong các kỳ thi tin học, toán học quốc tế. Bản chất eSports không thuần túy là trò chơi, mà cần sự tính toán trong đó. Chúng tôi muốn góp phần xây dựng một nền tảng để eSports phát triển, đạt tầm vóc quốc tế”, ông Việt Anh nói.
Để làm được điều này, FPT Telecom đã thực hiện đồng thời nhiều hoạt động thời gian qua, từ thúc đẩy sự phát triển ở cả quy mô, tính chuyên nghiệp các sự kiện, giải đấu eSports, cho tới xây dựng cộng đồng, thu hút người chơi và người hâm mộ đến với môn thể thao mới.
Ở vai trò chuyên môn là nhà cung cấp dịch vụ Internet, việc đầu tiên được đơn vị này làm là xây dựng một hạ tầng mạng tốt nhất cho game thủ. “eSports sẽ không thể thực hiện nếu như không có Internet ổn định, độ trễ thấp, tốc độ cao, đặc biệt khi có những sự kiện cần thi đấu quốc tế hay các giải đấu có thể tổ chức thi đấu online trong nước”, ông Việt Anh đánh giá
.
Ảnh: FPT Telecom đồng hành đảm bảo đường truyền Internet tại Đấu Trường Hỗn Chiến 2024: Giải đấu Team Fight Tactics lớn nhất Việt Nam.
Đón đầu xu thế game online ngày càng đòi hỏi về đường truyền chất lượng cao, từ hai năm trước, FPT Telecom đã nâng cấp hệ thống hạ tầng của mình, bao gồm cả kết nối trong nước và quốc tế. Đến nay, băng thông quốc tế của nhà mạng tăng gấp đôi, đồng thời tính ổn định được đảm bảo bằng sự đầu tư cân bằng 50-50 cả đường truyền qua cáp quang biển và đất liền. Ở phía người chơi, nhà mạng khẳng định họ có thể thi đấu với đối thủ từ bất cứ đâu trên thế giới và cả các game đặt máy chủ ở nước ngoài một cách mượt mà.
Trên con đường hướng tới mục tiêu nhà cung cấp dịch vụ Internet đồng hành với game thủ tại Việt Nam, theo ông Việt Anh, việc tài trợ cho các giải đấu chính là nền tảng kinh nghiệm quan trọng giúp đơn vị này thấu hiểu nhu cầu của các game thủ, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình, hướng tới số đông người dùng.
Ảnh: Game thủ trải nghiệm Internet FPT với công nghệ Wi-Fi 6, UltraFast tại sự kiện VCS Mùa Hè 2024.
“Những giải đấu luôn có những yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng đường truyền, hạ tầng kết nối, trang thiết bị. Điều này giúp chúng tôi hiểu rõ về những yếu tố góp phần tạo nên một trận đấu thành công, từ đó có thể mang đến dịch vụ tốt nhất cho người dùng”, ông nói. FPT Telecom hiện là nhà mạng tiên phong trong việc thiết kế các gói thuê bao chuyên cho game thủ như F-Game, trong đó có sản phẩm UltraFast được thiết kế tối ưu kết nối của game thủ khi chơi cả trong và ngoài nước, từ đường truyền, thiết bị modem, Wi-Fi cùng các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Nói về tầm nhìn về eSports Việt trong tương lai, ông Việt Anh đánh giá việc cung cấp hạ tầng cho game thủ chỉ là phần nền tảng. Người hâm mộ eSports sẽ ngày càng có yêu cầu cao hơn về dịch vụ, nội dung, và FPT Telecom với lợi thế hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ của mình từ Internet tới truyền hình và nội dung số, sẽ là đơn vị có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu này.
Người đứng đầu FPT Telecom chia sẻ, FPT Telecom cũng đặt mục tiêu sẽ cùng các đối tác có thể đưa các giải đấu eSports lớn trên thế giới về Việt Nam, đồng thời xây dựng các giải đấu trong nước vươn tầm quốc tế.
“Đó sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm eSports Việt Nam”, ông nói. “Với sự ủng hộ từ các lãnh đạo tập đoàn, sự quyết tâm, kỷ luật của người FPT và sự trẻ trung, hiệu quả của các nhân sự FPT Telecom, tôi tin mục tiêu này sẽ đạt được”.