Tin FPT , 12-10-2015 14:19
Với việc được cung cấp tài khoản Cituspaas, thí sinh có thể tự tạo ứng dụng từ các ngôn ngữ lập trình như NodeJs, PHP, Java, Ruby... Bên cạnh đó, thí sinh còn được cung cấp một số dịch vụ thông minh như: Dịch vụ tổng hợp tiếng nói tiếng Việt (TTS); Dịch vụ phân tích ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt (NLU; Dịch vụ cơ sở dữ liệu dạng đồ thị (Neo4j); Dịch vụ hỏi đáp (AIML) được xây dựng để phát triển ngôn ngữ tự nhiên giữa người và máy. Riêng tại vòng chung kết, FPT sẽ cung cấp robot cho các thí sinh phát triển sản phẩm.
Lâm Quốc Dũng, đại diện đội UIT Priate King (ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP HCM), chia sẻ, những kiến thức học được trong nhà trường không đủ nếu thiếu trải nghiệm thực tế. Bởi vậy, tham gia SMAC Challenge, được tiếp cận với những công nghệ mới sẽ giúp cậu học hỏi được nhiều điều.
Sau 2 tháng phát động, cuộc thi SMAC Challenge 2015 thu hút hơn 68 đội thi, với 300 thí sinh trên toàn quốc. Kết thúc vòng 1, 48 đội có ý tưởng rõ nét đã được BTC lựa chọn vào vòng 2. Trường Đại học CNTT TP HCM là trường dẫn đầu về số lượng đội thi được chọn (10 đội), tiếp theo là Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội (8 đội).
Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt giá trị lớn, cuộc thi còn mang đến nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư cho các ứng viên. SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ, do Tập đoàn FPT tổ chức. Sau 2 năm, cuộc thi thu hút được hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội tham gia. Năm 2015, FPT mở rộng phạm vi cuộc thi ra toàn quốc. Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty HP Việt Nam (tài trợ Bạc) và Công ty Asus Việt Nam (tài trợ Đồng). Năm 2014, đội FU-Agile (ĐH FPT) đã giành giải nhất SMAC Challenge. Trước đó, năm 2013, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông đã trở thành nhà vô địch của SMAC Challenge mùa đầu tiên. |