1900 6600
Live Chat
1900 6600

Chia sẻ dữ liệu trực tuyến – xu hướng mới và tất yếu

Tin FPT , 10-04-2013 10:04

Trong năm 2012, cụm từ “Điện toán đám mây” xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông và các thiết bị thông minh xuất hiện ngày càng nhiều với cấu hình thay đổi liên tục.

Chính những đổi mới mạnh mẽ về công nghệ này đã kéo theo sự phát triển của các nội dung số. Kết hợp với sự phát triển của các mạng xã hội khiến cho nhu cầu lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến ngày càng tăng.

Thế giới đã làm gì?

Chỉ trong khoảng 5 năm (từ 2005 đến 2010), dung lượng ổ cứng máy tính xuất xưởng đã tăng gấp 3 lần (từ 160GB lên 500GB). Nhưng ổ cứng của năm 2010 thực ra chỉ đủ cho việc lưu trữ dữ liệu cá nhân chứ hoàn toàn chưa đáp ứng được vấn đề giải trí cao cấp của người dùng.

Khi các thiết bị di động bùng nổ về số lượng, một vấn đề đặt ra cho người dùng đó là không gian lưu trữ và khả năng chia sẻ file dung lượng cao trên các thiết bị thông minh này. Người dùng muốn dữ liệu của mình được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi chứ không đơn thuần chỉ nằm “chết” như khi sử dụng PC. Nắm bắt được xu hướng đó, các công ty lớn như Microsoft, Apple, Google,… lập tức cung cấp các dịch vụ lưu trữ và chia sẻ trên nền điện toán đám mây như Sky Drive, iCloud, Google Drive hoặc những công ty vốn có thế mạnh trong lĩnh vực này như Box.com, Dropbox, Mediafire cũng cung cấp phiên bản cài đặt cho smartphone.

alt

Mô hình lưu trữ dữ liệu trực tuyến trên nền tảng điện toán đám mây. Ảnh: Internet
Mô hình lưu trữ dữ liệu trực tuyến trên nền tảng điện toán đám mây. Ảnh: Internet

Việc ứng dụng điện toán đám mây sẽ giúp khách hàng yên tâm lưu trữ dữ liệu của mình trên các cụm máy chủ vốn được bảo mật rất an toàn của các công ty lớn. Hơn nữa, người dùng cũng không phải lo lắng về việc truyền tải dữ liệu khi thay đổi thiết bị vì chỉ cần 1 click chuột hay 1 cú chạm trên màn hình, lập tức dữ liệu sẽ được tự động tải về.

Theo một nghiên cứu mới đây của ESG – 1 công ty lớn trong lĩnh vực nghiên cứu và khảo sát các sản phẩm công nghệ - tại Mỹ: Hiệu suất làm việc của các nhân viên được tăng thêm 62 % nhờ vào các dịch vụ chia sẻ dữ liệu trực tuyến (Online File Sharing – OFS); Đối với các công ty có sử dụng dịch vụ OFS, có tối thiểu 52% nhân viên sử dụng dịch vụ này; Có 53% các công ty mong muốn các nhân viên của mình có thể cập nhật các dữ liệu mới nhất của công ty thông qua các tài khoản lưu trữ dữ liệu trực tuyến.

Tại Việt Nam…

Ông Bùi Thái Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm phát triền truyền hình FPT Telecom (đơn vị chủ quản dịch vụ Fshare.vn) - cho biết: “Các doanh nghiệp OFS muốn hoạt động tốt thì cần có nền tảng hạ tầng máy chủ cực mạnh và làm chủ được băng thông của mình.”

Hiện ở Việt Nam, cả 3 ISP chiếm thị phần Internet chi phối là FPT Telecom, Viettel và VNPT đều cung cấp dịch vụ OFS. Tuy nhiên, chỉ có dịch vụ Fshare do FPT Telecom cung cấp được cộng đồng người dùng đánh giá cao hơn cả. Hiện tại, Fshare.vn đang có hơn 1,3 triệu tài khoản đăng kí và có phát sinh cước sử dụng.

Fshare.vn là đối tác chiến lược của nhiều cộng đồng mạng lớn tại Việt Nam như HDVietnam, HDVNBits.org, Kites.vn,…Vì thế, những nội dung hay, những dữ liệu quan trọng cần được lưu trữ lâu dài hoặc thông tin mà thành viên của các công đồng này cần chia sẻ cho nhau nắm thông tin đều được đưa lên Fshare.vn để chia sẻ.

Fshare.vn được các cộng đồng mạng lớn lựa chọn làm nơi lưu trữ nội dung vì tốc độ tải lên, tải xuống của dịch vụ này rất tốt, luôn đạt tối đa băng thông. Không những vậy, những sự cố mất dữ liệu gần như không có, chính sách khuyến mại và hình thức thanh toán khá đa dạng.

Tuy nhiên, dịch vụ OFS trên mobile tại Việt Nam thì vẫn còn bỏ ngỏ. Các công ty Việt Nam thì chưa cung cấp dịch vụ này, còn dịch vụ của nước ngoài có nhưng không mấy người dùng.

Qua khảo sát, có khá nhiều người dùng các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad còn không biết tính năng iCloud trên thiết bị của mình dùng để làm gì. Phần lớn người được hỏi cho biết: họ thường lưu trữ và bảo vệ dữ liệu bằng cách copy vào máy tính rồi lưu trữ trên ổ cứng di động. Khi nào cần chuyển sang thiết bị khác thì lại copy từ máy tính vào.

Theo các chuyên gia bảo mật, cách làm thủ công này đơn giản nhưng hết sức nguy hiểm vì nếu bị mất hay hỏng các thiết bị lưu trữ thì đồng nghĩa với việc mất luôn các dữ liệu đã lưu. Nếu có khôi phục được thì chi phí cũng khá lớn. Trong khi đó, nếu sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây thì dữ liệu luôn được đảm bảo. Việc luân chuyển, cập nhật dữ liệu giữa các thiết bị cũng hết sức dễ dàng và nhanh chóng.

Tính đến hết năm 2012, theo báo cáo khảo sát của “We are social” lượng người dùng Internet tại Việt Nam vượt qua con số 31 triệu người dùng (đứng thứ 18 thế giới). Khoảng 86% người dùng Việt Nam thường truy cập vào các mạng xã hội như Facebook, Zing Me. Và có đến 73% người dùng Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 35. Do đó, thị trường OFS tại Việt Nam đang hết sức sáng sủa đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng. Người dùng Internet Việt Nam còn rất trẻ, số lượng thiết bị di động thông minh ngày một nhiều và hiện đại. Chỉ cần thay đổi được thói quen của người dùng, chắc chắn các doanh nghiệp OFS của Việt Nam – dù đi sau nhưng chắc chắn dành được phần thắng trên sân nhà.

                                                                                                                      Nguồn Dân Trí