1900 6600
Live Chat
1900 6600

CHUYỂN ĐỔI MÃ VÙNG ĐIỆN THOẠI CỐ ĐỊNH 59 TỈNH THÀNH TỪ 11/2/2017

Tin FPT , 11-01-2017 09:38

Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ký Quyết định số 2036/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, bắt đầu triển khai từ ngày 11/2/2017 và chia làm 3 giai đoạn.

59 tỉnh thành trong cả nước, chỉ trừ bốn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên. Quy hoạch này bao gồm cả việc chuyển đổi thuê bao di động từ 11 số xuống thành thuê bao 10 số và chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định.

Theo Kế hoạch chuyển đổi mã vùng được ban hành kèm theo quyết định, nhằm đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh đối với doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ, hài hòa giữa lợi ích và chi phí xã hội, mục đích và yêu cầu của kế hoạch gồm các điểm sau: Đảm bảo an toàn mạng lưới viễn thông trước, trong và sau quá trình chuyển đổi; Việc chuyển đổi phải nhanh chóng, thuận tiện cho doanh nghiệp và người sử dụng; Giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc có thể xảy ra trước, trong và sau quá trình chuyển đổi, cho phép người dùng quay số song song bằng cả mã vùng cũ và mã vùng mới trong thời gian chuyển đổi, duy trì âm thông báo sau khi chuyển đổi trong một khoảng thời gian hợp lý; Phù hợp thông lệ quốc tế khi tiến hành chuyển đổi mã vùng; 

Cụ thể, giai đoạn 1 bắt đầu từ 11/2/2017, áp dụng cho 13 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2 bắt đầu từ 15/4 và giai đoạn 3 từ 17/6 áp dụng cho 46 tỉnh, thành phố. Việc chuyển đổi sẽ diễn ra trong vòng một tháng cho mỗi giai đoạn và kết thúc vào 31/8/2017

Giai đoạn 1 sẽ chuyển đổi mã vùng của 13 tỉnh, thành phố là: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng ở những tỉnh này vào 00 giờ 00 phút ngày 11 tháng 2 năm 2017. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00 giờ 00 phút ngày 11 tháng 2 năm 2017 và kết thúc quay số song song vào 23 giờ 59 phút ngày 12 tháng 3 năm 2017.  Thời gian bắt đầu duy trì âm báo vào 00 giờ 00 phút ngày 13 tháng 3 năm 2017 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 14 tháng 4 năm 2017.


Chi tiết mã vùng chuyển đổi của các tỉnh giai đoạn 1.

Giai đoạn 2 sẽ chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng vào 00 giờ 00 phút ngày 15 tháng 4 năm 2017. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00 giờ 00 phút ngày 15 tháng 4 năm 2017 và kết thúc quay số song song vào 23 giờ 59 phút ngày 14 tháng 5 năm 2017.  Thời gian bắt đầu duy trì âm báo vào 00 giờ 00 phút ngày 15 tháng 5 năm 2017 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 16 tháng 6 năm 2017.


Chi tiết mã vùng chuyển đổi của các tỉnh giai đoạn 2.

Giai đoạn 3 sẽ chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp. Thời gian bắt đầu chuyển đổi mã vùng vào 00 giờ 00 phút ngày 17 tháng 6 năm 2017. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00 giờ 00 phút ngày 17 tháng 6 năm 2017 và kết thúc quay số song song vào 23 giờ 59 phút ngày 16 tháng 7 năm 2017. Thời gian bắt đầu duy trì âm báo vào 00 giờ 00 phút ngày 17 tháng 7 năm 2017 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 31 tháng 8 năm 2017.


Chi tiết mã vùng chuyển đổi của các tỉnh giai đoạn 3.

Theo Cục Viễn thông, hiện nay phần lớn kho số được sử dụng cho thuê bao điện thoại cố định, rất ít còn lại cho thuê bao di động, trong khi số thuê bao di động đang chiếm khoảng 95% tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam. Như vậy, hiệu quả sử dụng kho số chưa cao. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.

Đại diện Cục Viễn thông nhận định rằng, việc chia tách và hợp nhất tỉnh, thành phố dẫn đến mã vùng (vùng cước nội hạt của thuê bao cố định cùng một vùng nội hạt trong một tỉnh gọi cho nhau thì chỉ phải trả giá cước nội hạt thấp mà không phải trả cước liên tỉnh) số cố định không nhất quán, mã vùng có độ dài khác nhau. Ví dụ mã Hà Nội là 4, Thanh Hóa là 37, Nam Định là 350 (Nam Hà là 35, tách ra Hà Nam là 351, Nam Định là 350). Thông thường trên thế giới, Thủ đô đông dân nên thường có mã tỉnh ngắn, còn lại các tỉnh bình thường có mã dài hơn 1 chữ số. Thực trạng hiện nay sớm hay muộn cũng phải đổi lại các mã vùng nội hạt để có một bảng mã vùng đồng nhất theo thông lệ quốc tế. Việc đổi lại mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao cố định vì đây không phải đổi số thuê bao, nhưng sẽ tạo ra một bảng mã số tốt và hiệu quả hơn rất nhiều so với hiện giờ.